Tăng tuổi nghỉ hưu: Nam thêm 2 tuổi, nữ thêm 5 tuổi

10:56 - 13/09/2018 Tin pháp luật
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có nội dung đề xuất nữ tăng tuổi nghỉ hưu nhanh hơn nam. Theo dự thảo, đến năm 2021 tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi và tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 62 tuổi.
Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành đầu năm có đề cập đến việc tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tiếp đó, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng này. Nội dung của Dự thảo đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nhanh hơn nam.
 
Ngoài vấn đề về tuổi nghỉ hưu, Dự luật cũng đưa ra những thay đổi về giờ làm thêm, tiền lương, tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp (không nằm trong tổ chức Công đoàn)...
 
tăng tuổi nghỉ hưu
 
Từ năm 2021 có thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ sẽ tăng lên so với hiện tại (Ảnh minh họa)
 

Tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60

 
Bộ LĐ-TB&XH thực hiện Dự thảo Bộ luật LĐ (sửa đổi) từ năm 2016 cho tới nay. Đến thời điểm Nghị quyết 27-28 của Trung ương ban hành, Dự luật này tiếp tục được sửa lại cho phù hợp. Tháng 8/2018, bản thảo Bộ luật LĐ sửa đổi có một số nội dung tiếp tục thay đổi so với các bản thảo đã công khai trước đó.
 
Theo Nghị quyết 28 về tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trong dự luật: Từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng làm việc với NLĐ nữ và 3 tháng làm việc với NLĐ nam cho tới khi nữ đủ 60 tuổi và nam đủ 62 tuổi (hiện nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu).
 
Đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại hay suy giảm sức khỏe sẽ được nghỉ hưu trước độ tuổi trên (hay còn gọi là nghỉ hưu non). Còn đối với NLĐ làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt khác được làm vượt tuổi trên nhưng không quá 5 năm. 
 
Đối với tiền lương, thực hiện Nghị quyết 27, dự luật đưa ra định nghĩa mới về tiền lương: Là tiền lương gồm cả tiền lương theo chức danh hoặc công việc (không thấp hơn lương tối thiểu) và các khoản phụ cấp bổ sung khác được đưa ra trong hợp đồng và thỏa ước lao động tập thể. Quy định này nhằm ngăn chặn không cho doanh nghiệp “lách luật”, để đưa ra nhiều mức phụ cấp, trợ cấp tăng thu nhập cho NLĐ nhưng không được tính vào tiền lương, nhằm giảm các mức đóng góp khác (như phí công đoàn và bảo hiểm).
 
Dự luật cũng bổ sung tiền lương tối thiểu vùng theo giờ (bên cạnh theo tháng), để áp dụng trường hợp công việc làm thêm và không thường xuyên. 
 

Giờ làm thêm tăng lên gấp đôi

 
Đối với giờ làm thêm, tổ soạn thảo Dự luật này đề xuất giờ làm tối đa 1 ngày (gồm cả chính thức và làm thêm) không vượt quá 12 giờ. Như vậy tổng số giờ làm thêm 1 năm không quá 400 giờ. Không quy định về giờ làm thêm tối đa trong tuần, tháng (để phù hợp với doanh nghiệp sản xuất theo các đơn hàng). Theo Dự luật mới thì tổng thời gian làm thêm sẽ tăng gấp đôi so với giờ làm thêm hiện nay (1 năm không được quá 200 giờ). 
 
Song song với việc tăng số giờ làm thêm, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm phương án tính tiền lương làm thêm giờ (quy định hiện hành tính lương làm thêm giờ cao hơn lương bình thường từ 150-300%). Bằng phương pháp mới, đơn vị soạn thảo đề xuất lương làm thêm giờ tính theo bậc thang, như với làm thêm ngày thường, giờ đầu lương bằng 150% lương giờ chính, các giờ tiếp theo tối thiểu 200%. Còn với ngày nghỉ hàng tuần, lương làm thêm tối thiểu là 300% (từ giờ thứ 3) và ngày lễ tết là 400%.
 
Về tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp (ngoài tổ chức công đoàn hiện nay), dự luật cho phép NLĐ được thành lập, gia nhập, hoạt động tổ chức đại diện NLĐ tại nơi mình làm việc. Tổ chức này hoạt động độc lập và bình đẳng với tổ chức công đoàn, thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi đoàn viên. Để được phép thành lập, tổ chức đại diện NLĐ phải được cấp phép, có điều lệ hoạt động, tổ chức bộ máy, phải tối thiểu từ 20 đoàn viên trở lên...
 
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Trưởng ban soạn thảo dự luật này cho biết, Bộ luật LĐ có tác động sâu rộng đến xã hội, liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Lần sửa đổi này nhằm chuyển đổi toàn diện bộ luật, cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp Hiến pháp 2013; đảm bảo sự đồng bộ các luật đã được ban hành, đồng thời giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường LĐ, hội nhập quốc tế…
 
Về độ tuổi nghỉ hưu, ông Dung cho biết, Nghị quyết 28 của Trung ương cũng đã định hướng rõ về nội dung này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cụ thể hóa đến từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực ngành nghề. Theo lộ trình, dự kiến đến cuối năm nay Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng, đầu năm 2019 trình Thường vụ Quốc hội; Dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019. 
 
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục giữ lại các quy định riêng với lao động nữ, như nghỉ thai sảncông việc trong thai kỳ. Đặc biệt, dự luật vẫn giữ lại quy định: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và vẫn hưởng lương đầy đủ.
 
Trên đây là một số nội dung chính của Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi do Tailieuluat.com tổng hợp.

 

ThanhNT
Chia sẻ