Hóa đơn đỏ là gì? Những điều cần biết về hóa đơn đỏ

16:27 - 26/12/2018 Tin pháp luật
Hóa đơn đỏ, hóa đơn VAT, hóa đơn giá trị gia tăng là gì? Tác dụng và cách sử dụng hóa đơn đỏ ra sao, khi nào cần xuất hóa đơn đỏ, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Tailieuluat tổng hợp những thông tin chuẩn xác nhất về hóa đơn đỏ gửi đến các độc giả để nắm rõ, đảm bảo quyền lợi và không vi phạm pháp luật:
 

Hóa đơn đỏ là gì?

 
Hoá đơn đỏ là một tên gọi khác của hoá đơn giá trị gia tăng. Trước khi có quy định doanh nghiệp sử dụng hoá đơn tự in, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua hàng. Đặc biệt là liên 2 của hoá đơn giá trị gia tăng- liên giao cho khách hàng có màu đỏ, dựa vào đặc điểm màu sắc này nên hóa đơn giá trị giá tăng thường được gọi theo tên thông thường là hoá đơn đỏ.
 
Như vậy, hóa đơn đỏ là một loại chứng từ thể hiện giá trị hàng bán hoặc giá trị dịch vụ cung cấp cho người mua, trên đó thể hiện đầy đủ thông tin người bán và người mua (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ). Giá trị hàng bán bao gồm cả tiền thuế GTGT được khấu trừ.
 
Loại hóa đơn đặc biệt này là căn cứ để nhà nước tính thuế giá trị gia tăng. Loại hoá đơn này đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Khi có hoá đơn đỏ nghĩa là người tiêu dùng phải nộp cho nhà nước một khoản thuế và nó được thu thông qua người bán hàng.
 
hóa đơn đỏ là gì
Hóa đơn đỏ là gì? (Ảnh minh họa)
 

Phân biệt hóa đơn đỏ và hóa đơn bán hàng

 

Trong quá trình sử dụng hóa đơn, nhiều đơn vị sử dụng hóa đơn bán hàng màu đỏ - nên dẫn đến tình trạng nhiều người hiểu không đúng ý nghĩa của thuật ngữ hóa đơn đỏ. Do đó, bạn cần phải hiểu và phân biệt được hóa đơn đỏ và hóa đơn bán hàng:

Tác dụng của hóa đơn đỏ

 
Theo quy định, việc lấy hóa đơn đơn đỏ khi mua hàng sẽ giúp cho Nhà nước giám sát người bán hàng, cung cấp dịch vụ có nộp thuế đầy đủ hay không.
 
Đồng thời, trong thực tế, việc lấy hóa đơn đỏ cũng giúp người mua bảm đảm được một số quyền lợi như: Xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với sản phẩm, dịch vụ, từ đó có căn cứ để khiếu nại về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như yêu cầu về các chế độ bảo hành…
 

Khi nào phải xuất hóa đơn đỏ?

 
Thông tư 39/2014/TT-BTC, người bán phải xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ; xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa.
 
Tuy nhiên, cũng theo Thông tư này, khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không cần phải xuất hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
 
Căn cứ vào quy định nêu trên có thể thấy, khi bán hoặc cung cấp bất cứ dịch vụ nào có giá từ 200.000 đồng trở lên, người bán đều phải xuất hóa đơn đỏ. Lúc này, người mua sẽ phải thanh toán thêm 10% thuế giá trị gia tăng cho người bán để người bán thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế với cơ quan thuế.
 

Xử phạt vi phạm hóa đơn đỏ

 
Việc lập hóa đơn đỏ nói riêng và hóa đơn nói chung cần tuân thủ một số quy định của pháp luật, đối với những hành vi vi phạm về hóa đơn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Thông tư 10/2014/TT-BTCNghị định 49/2016/NĐ-CP.
 
Thông tư 10/2014/TT-BTC quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn bao gồm:
 
Phạt cảnh cáo, áp dụng đối với hành vi vi phạm về hóa đơn không gây hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ.
Phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm về hóa đơn là 50 triệu đồng.
 
Xem thêm tin liên quan:
 

 

ThanhNT
Chia sẻ