Trường hợp nào người dân không cần đăng ký tạm trú?
t
1. Các trường hợp không phải đăng ký tạm trú
Theo quy định tại Luật Cư trú 2006 , người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú thì trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày chuyển đến phải tới Công an xã, phường, thị trấn đăng ký tạm trú.
Như vậy, có thể thấy, có 02 trường hợp người dân không phải đăng ký tạm trú, gồm:
- Thuộc trường hợp đăng ký thường trú;
- Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới 30 ngày.
Mặt khác, Luật Cư trú 2006 cũng đã nêu, trường hợp ở lại trong một thời gian nhất định tại xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú thì phải thực hiện đăng ký lưu trú.
2. Hướng dẫn đăng ký lưu trú đối với trường hợp không phải đăng ký tạm trú
Đối với trường hợp không phải đăng ký tạm trú, thì cần thực hiện việc đăng ký lưu trú theo đúng quy định. Cụ thể:
Theo quy định, đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú phải thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, theo hướng dẫn tại Điều 21 Thông tư số 35/2014/TT-BCA, đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tùy thân khác hoặc giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp.
- Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của mình.
Trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không cư trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.
Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua internet. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấp tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.
Nơi tiếp nhận thông báo lưu trú là trụ sở Công an xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương quyết định thêm địa điểm khác để tiếp nhận thông báo lưu trú.
Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú và hướng dẫn người dân cách thông báo lưu trú.