ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1264/KH-UBND |
Lai Châu, ngày 20 tháng 8 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẾN NĂM 2020” VÀ ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÒNG CHỐNG MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỌC ĐẾN NĂM 2020”
Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1236/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020”;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020” và Đề án “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học đến năm 2020”. Cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và năng lực hành động của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên (sau đây gọi tắt là thành viên trong trường học) trong công tác phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh; phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
2. Yêu cầu
- Xác định tốt nhiệm vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- 100% trường học được tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong trường về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống ma túy, vi phạm pháp luật và bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên.
- 100% trường học tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống và văn hóa ứng xử cho các thành viên trong trường học.
- Không để xảy ra vụ việc, số người phạm tội, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên không để xảy ra trường hợp mắc nghiện mới về ma túy trong nhà trường.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tổ chức tuyên truyền
a. Nội dung tuyên truyền
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong trường học, gia đình học sinh, sinh viên và cộng đồng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.
- Các quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm; các quy chế, quy định về đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội khác trong học sinh, sinh viên.
- Hậu quả, ảnh hưởng của việc vi phạm pháp luật, của việc mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy; Biện pháp phòng chống những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với học sinh, sinh viên.
b. Hình thức tuyên truyền
- Lồng ghép, gắn kết nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm với các nội dung tuyên truyền về giáo dục an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
- Tuyên truyền thông qua các giờ học chính khóa (của môn giáo dục công dân, đạo đức, ...), hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể của học sinh, sinh viên.
- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu; các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hóa, vẽ tranh, áp phích, phát hành tờ rơi, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
- Xây dựng tài liệu truyền thông dành cho thành viên trong trường và gia đình học sinh về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
- Xây dựng tin, bài, phóng sự truyền hình tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đăng tải trên các kênh thông tin đại chúng, trên website ngành giáo dục và các nhà trường.
- Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ về phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy, giáo dục an toàn giao thông trong trường học.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong.
2. Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục đối với học sinh, sinh viên
- Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
- Tăng cường tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật vào chương trình đào tạo giáo viên.
- Tìm hiểu và thực hiện chương trình, tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh, sinh viên.
3. Nâng cao năng lực của các thành viên trong việc tổ chức phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật
- Xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo về giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ, học sinh, sinh viên xung kích, tình nguyện.
4. Phối hợp giữa trường học, gia đình và các cơ quan ban, ngành của địa phương trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên
- Tăng cường phối hợp giữa trường học và gia đình học sinh trong công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên không phạm tội, vi phạm pháp luật, đặc biệt quan tâm đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
- Các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở đào tạo, các trường phổ thông có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể của địa phương và gia đình học sinh trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý học sinh, sinh viên, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin học sinh, sinh viên phục vụ công tác thống kê, báo cáo về tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh, sinh viên.
- Chia sẻ tài liệu tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử về các loại hình tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao để các thành viên trong nhà trường, gia đình học sinh khai thác, phòng ngừa.
6. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý học sinh, sinh viên, phòng ngừa tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về quản lý học sinh, sinh viên, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong các trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật đối với các trường học và học sinh, sinh viên. Thiết lập kênh thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất giữa các trường học với cơ quan công an địa phương, giữa trường học với cơ quan quản lý giáo dục các cấp.
III. KINH PHÍ
- Kinh phí thực hiện: 1.685.000.000đ
- Nguồn vốn: Sự nghiệp ngân sách tỉnh.
(Có biểu kinh phí thực hiện kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện; tổng kết đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan xây dựng nội dung tuyên truyền công tác phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội như bạo lực học đường, ma túy học đường trong học sinh.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các Sở ngành, cơ quan đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch.
2. Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội cho học sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên làm công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống tội phạm trong trường học.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí đảm bảo việc thực hiện Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020” và Đề án “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học đến năm 2020”. Đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
“PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẾN NĂM 2020” VÀ ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÒNG CHỐNG MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỌC ĐẾN 2020”
(Kèm theo Kế hoạch số 1264/KH-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
TT |
Nội dung hoạt động |
Chi tiết thực hiện |
Đơn vị thực hiện |
Dự trù kinh phí (ĐVT: Đồng) |
Ghi chú |
1 |
Công tác tuyên truyền |
Tờ rơi tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên |
Sở GD&ĐT |
50.000 học sinh (THCS, THPT, GDTX) x 2.500đ = 125.000.000đ |
|
Sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình để tuyên truyền |
Sở GD&ĐT, Truyền hình Lai Châu |
02 phóng sự x 50.000.000 = 100.000.000đ |
|
||
Tổ chức hội thi tuyên truyền tại các trường |
Đơn vị trường học |
130 trường (THCS, THPT) x 8.000.000đ = 1.040.000.000đ |
|
||
Tổ chức hội thi cấp tỉnh |
Sở GD&ĐT |
300.000.000đ |
|
||
2 |
Bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, giáo viên môn GDCD, giáo viên môn đạo đức,... |
Sở GD&ĐT, Công an tỉnh |
04 lớp (khoảng 800 người) x 30.000.000 = 120.000.000đ |
|
|
Tổng cộng: |
1.685.000.000đ (Một tỷ sáu trăm tám mươi lăm triệu đồng) |
|