Được phép kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế
Vậy theo quy định của pháp luật, quản lý thị trường có được phép kiểm tra đột xuất cửa hành kinh doanh thiết bị y tế ko? Và nếu phát hiện, hành vi găm hàng sẽ bị xử lý thế nào?
Găm hàng chờ tăng giá sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa.
Theo Thông tư 35/2018/TT-BCT, khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong nhiều trường hợp lực lượng quản lý thị trường được phép kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, nhà thuốc để phát hiện vi phạm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Cũng theo Khoản 2 Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi găm hàng có mức phạt tương đối nặng.
Theo đó, với hành vi cắt, giảm hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa hoặc không mở cửa hàng; mở cửa nhưng không bán hàng…khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trường hợp số hàng bị găm lại trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó, mức phạt sẽ từ 20 - 30 triệu đồng. Bên cạnh đó còn bị tịch thu toàn bộ số hàng hóa găm lại.
Ngoài ra, những cơ sở tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, cơ quan chức năng còn có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng.
Bán hàng sinh lời đó là quy luật tất yếu trong kinh doanh. Tuy nhiên lạm dụng dịch bệnh để găm hàng chờ thời cơ đội giá là hành vi khó có thể chấp nhận được, nhất là trong thời điểm dịch Corona đang trở thành mối lo ngại trên toàn thế giới.
Để có thể ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng này, nếu phát hiện cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế có dấu hiệu vi phạm cần báo ngay cho số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường: 1900.888.655 hoạt động 24/7.