Đưa sổ đỏ cho "cò" ngân hàng vay hộ tiền, mất nhà dễ như chơi
14:59 - 21/08/2018
Tin pháp luật
Không ít người dân đứng trước nguy cơ mất nhà khi đưa sổ đỏ cho "cò" ngân hàng vay tiền hộ. Trường hợp của bà Thu và ông Cần tại Hà Nội mới đây cũng đứng trước hệ lụy do vay tiền quá dễ dàng này.
Đem sổ đỏ cầm cố để vay tiền người không quen biết, đến khi bị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội thông báo phát mại căn nhà mình đang ở, nhiều người mới tá hỏa trước nguy cơ mất nhà.
Căn nhà của bà Thu và ông Cần bị ngân hàng thông báo phát mại
Điều đáng nói là dù "tình ngay" nhưng việc xử lý cực kỳ phức tạp, thậm chí không thể giải quyết.
Mắc bẫy vì vay tiền quá dễ dàng
Tại ngôi nhà 183m2 đã được xây dựng kiên cố của mình ở một con ngõ trên đường Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thu (SN 1960) cho biết, năm 2006, qua người quen giới thiệu, bà đến gặp bà Nguyễn Thị Hồng (lúc đó là Giám đốc Công ty CP Khoáng sản luyện kim Hà Nội) và thỏa thuận vay số tiền 380 triệu đồng. Hàng tháng, bà Thu phải trả lãi số tiền trên theo lãi suất ngân hàng, đồng thời đặt lại cuốn sổ đỏ căn nhà của mình để “làm tin”.
Thấy việc vay tiền quá dễ dàng, bà Thu tiếp tục giới thiệu cho em trai là ông Nguyễn Xuân Cần (SN 1961, cùng trú ở thị trấn Yên Viên) mang sổ đỏ đến đưa cho bà Hồng để vay số tiền 500 triệu đồng. Tiếp đó, bà Thu lại giới thiệu dì ruột là bà Phạm Thị Khoái (SN 1956, cũng ở thị trấn Yên Viên) tới gặp bà Hồng để đặt sổ đỏ và vay số tiền 350 triệu đồng. “Chúng tôi vì không hiểu biết pháp luật nên ngày 13/9/2007, bà Hồng đã hướng dẫn chúng tôi ký hợp đồng ủy quyền vào buổi tối tại Phòng công chứng số 5 (Hà Nội) mà chúng tôi không được biết nội dung ủy quyền thế nào, chỉ ký mà không đọc, không được giải thích. Lúc đó vì cần được vay tiền, chúng tôi ký theo sự chỉ đạo của bà Hồng và cán bộ phòng công chứng”, bà Thu cho hay.
Sau khi vay tiền một thời gian ngắn, các gia đình đã thu xếp và đề nghị bà Hồng được trả cả gốc và lãi số tiền vay nhưng bà Hồng không đồng ý và lảng tránh.
Cho đến tận ngày 26/12/2016, sau khi các gia đình nhận thông tin có quyết định của cơ quan thi hành án yêu cầu phát mại nhà, họ mới tá hỏa. “Giờ cuộc sống gia đình đảo lộn hoàn toàn, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vì thỉnh thoảng lại có người của ngân hàng và cả công an địa phương tới nhà”, bà Thu lo lắng.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Cần cũng được phía ngân hàng cử người tới thông báo, sổ đỏ nhà của ông đã bị thế chấp để vay 800 triệu đồng. Trong khi đó, cuốn sổ đỏ của bà Khoái cũng đã được ai đó thế chấp khoản vay lên tới 1,8 tỷ đồng. “Việc lừa đảo này tôi nghĩ có tổ chức, chứ một mình chị Hồng không thể làm được. Vì nếu họ thế chấp ở ngân hàng để vay tiền, thì khi giải ngân, vì sao ngân hàng không cho người đến thẩm định xem tài sản đó có thật hay không?”, ông Cần bức xúc và cho biết thêm, ở huyện Gia Lâm còn có rất nhiều trường hợp bị mắc lừa như gia đình ông.
Ông Cần, bà Thu lo lắng vì bị thông báo phát mại ngôi nhà đang ở
“Bút sa, gà chết”?
Phân tích vụ việc từ góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm) cho biết, cách đây vài năm, việc cầm cố sổ đỏ vay tiền diễn ra rất phổ biến ở Hà Nội, thậm chí có nơi cả làng cùng đặt sổ đỏ để ký vay tiền trong khi không ý thức được hậu quả ra sao. “Đối với những trường hợp như thế này, được biết, ngành Toà án có hướng giải quyết là những gia đình thực sự đã cầm tiền và tiêu tiền thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Tức là trả tiền cho ngân hàng thì giữ được nhà, nếu không ngân hàng sẽ phát mại”, luật sư nói.
Luật sư Nguyễn Kim Thoa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong quá trình tư vấn pháp lý giúp các hộ dân nói trên, luật sư này phát hiện bà Nguyễn Thị Hồng đã bị bắt trong một vụ án lừa đảo khác với số tiền trên 8 tỷ đồng. Hiện, các bị hại đã làm đơn gửi TAND TP Hà Nội đề nghị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Thị Hồng và các đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Tú, ở góc độ tranh chấp dân sự “tiền trao cháo múc”, “bút sa gà chết”, tất cả đều đã được thể hiện trên văn bản. Việc các hộ dân cẩu thả đặt bút kí trước tiên là lỗi của người dân. Do nhiều người không có kiến thức về pháp luật nên mặc nhiên nghĩ rằng “nhà mình đây ai dám vào ở” nên họ không ý thức được hậu quả. Lợi dụng điều này, đối tượng lừa đảo sẽ cầm sổ đỏ đi vay, có thể vay mười nhưng chỉ đưa cho bị hại một - hai. Chưa kể những năm trước đây, khâu thẩm định hồ sơ tín dụng rất lỏng lẻo. Tức là cán bộ tín dụng lẽ ra phải đến tận nơi để thẩm định nhưng họ thường bỏ qua hoặc có thẩm định cũng làm thiếu trách nhiệm.
Mặt khác, còn có thực tế là công chứng viên cứ cho ký bừa, thậm chí công chứng viên còn đến nhà dân để kí giấy tờ sai qui định. Theo quy định, công chứng viên chỉ đến nhà hộ đân kí giấy tờ trong trường hợp người ký bị bệnh tật. Nhưng thực tế nhiều trường hợp đặt sổ đỏ vay tiền hoàn toàn khoẻ mạnh mà công chứng viên vẫn đến tận nhà, không hỏi han gì, giơ góc văn bản ra cho các hộ dân kí vào và lật các trang rất nhanh, không ai có đủ thời gian để đọc, thậm chí có đọc cũng chưa chắc đã hiểu hết bởi tâm lý đang cần tiền. “Với những trường hợp thế này, khi người dân cảm thấy nghi ngờ phải báo ngay cho cơ quan công an, tránh để sự việc xảy ra quá lâu. Khi đó, việc giải quyết hậu quả sẽ rất khó khăn”, luật sư Tú khuyến cáo.
Theo Báo Giao thông
Chia sẻ