Đánh giá cán bộ, công viên chức dựa trên những tiêu chí nào?

13:57 - 17/08/2020 Tin pháp luật
Việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công viên chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch/thăng hạng chức danh nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật. Như vậy, hiện nay việc đánh giá, xếp loại được thực hiện dựa trên những tiêu chí nào?

Nguyên tắc đánh giá, xếp loại cán bộ, công viên chức

 

Điều 2, Nghị định 90/2020 của Chính phủ quy định về nguyên tắc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức như sau:

 

Việc đánh giá, xếp loại phải bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

 

Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

 

Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

 

Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

 

Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.

  

Đánh giá cán bộ, công viên chức dựa trên những tiêu chí nào? Ảnh minh họa.

 

Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

 

Căn cứ theo Điều 3, Nghị định 90, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức dựa vào 5 tiêu chí sau:

 

Một là về chính trị tư tưởng. Trong tiêu chí này cán bộ, công viên chức cần phải chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình;

 

Đồng thời phải có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân…

 

Thứ hai là về đạo đức, lối sống. Cán bộ, công viên chức phải đáp ứng những điều như:

 

Không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, hách dịch, cửa quyền; Có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị;

 

Đồng thời phải có tinh thần đoàn kết, xây dựng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong sạch, vững mạnh; Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…

 

Tiêu chí thứ 3 là về tác phong, lề lối làm việc. Cán bộ, công viên chức cần phải có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ;

 

 Song song đó là có tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; Có thái độ đúng mực và phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu của văn hóa công vụ…

 

Thứ 4 là về ý thức tổ chức kỷ luật. Ở tiêu chí này, cán bộ, công viên chức cần phải chấp hành sự phân công của tổ chức;

 

Ngoài ra, phải thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; Thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định…

 

Và cuối cùng là về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý:

 

Quán triệt, thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; Duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị;

 

-  Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

 

Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; khối lượng, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ;

 

Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

 

Tailieuluat
Chia sẻ