Bộ Tư pháp: Công tác khen thưởng phải chú trọng đến các tập thể nhỏ

08:05 - 20/07/2018 Tin pháp luật
Thông tư 05/2018/TT-BTP sẽ có hiệu lực từ ngày 21/7 tới đây. Nội dung thông tưhướng dẫn một số nội dung về đối tượng thi đua, khen thưởng; hình thức khen thưởng và tiêu chuẩn khen thưởng...trong ngành Tư pháp.

công tác khen thưởng trong ngành tư pháp

Ảnh minh họa. Nguồn: STP Cao Bằng.

 

Một số nguyên tắc được thực hiện trong việc khen thưởng của ngành Tư pháp:

 

- Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, thiết thực;

- Bảo đảm thống nhất, phù hợp giữa hình thức, mức hạng, đối tượng khen thưởng với chức năng, nhiệm vụ được giao và thành tích đạt được;

 

- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; không nhất thiết khen thưởng theo trình tự có mức khen thưởng thấp rồi mới khen thưởng mức cao hơn; không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau;

 

- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung; trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung;

 

- Trong khen thưởng phải chú trọng đến các đối tượng là tập thể nhỏ và cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác; người dân tộc thiểu số; cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, học tập, công tác; tập thể, cá nhân từ yếu kém, phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; Đối với khen thưởng thành tích thường xuyên, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng;

 

- Kết hợp động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất;

 

- Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.

 

Trích dẫn Thông tư 05/2018/TT-BTP

Điều 8. Các danh hiệu thi đua

1. Danh hiệu thi đua trình cấp có thẩm quyền xét tặng gồm:

a) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” đối với cá nhân;

b) Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” đối với tập thể.

2. Danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền xét tặng gồm:

a) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp”; “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và “Lao động tiên tiến” đối với cá nhân;

b) Danh hiệu “Cờ thi đua ngành Tư pháp”; “Tập thể lao động xuất sắc” và “Tập thể lao động tiên tiến” đối với tập thể.

Chia sẻ