ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2378/KH-UBND |
Hải Dương, ngày 17 tháng 7 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 03/CT-TTG NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
Thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 03/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất và hiệu quả nội dung các quy định về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan và các tầng lớp nhân dân để có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa nhân đạo của công tác nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có sự quan tâm đúng mức tới việc thực hiện các quy định pháp luật về nuôi con nuôi.
2. Yêu cầu
Xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện trong việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới đã được chỉ ra tại Chỉ thị 03/CT-TTg .
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thay thế phù hợp, phát huy tính nhân văn của các quy định về nuôi con nuôi.
II. NỘI DUNG
1. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi và khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (sau đây viết tắt là Nghị định số 19/2011/NĐ-CP)
- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, UBND cấp huyện;
- Thời gian thực hiện: Năm 2018 và những năm tiếp theo.
2. Rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội và đề xuất UBND tỉnh chỉ định cơ sở trợ giúp xã hội cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP .
- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và cơ quan có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2018 và năm 2019.
3. Theo dõi, quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ của cha mẹ nuôi nước ngoài và các nguồn khác đối với cơ sở trợ giúp xã hội; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc tiếp nhận, giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh hành vi tiếp nhận và sử dụng trái pháp luật đối với các khoản hỗ trợ nêu trên.
- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
4. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch và cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội về công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi và quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi ở địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tìm gia đình thay thế; đẩy mạnh công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi. Thực hiện các biện pháp cụ thể phù hợp nhằm thúc đẩy công tác nuôi con nuôi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống trong cộng đồng.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Năm 2018 và những năm tiếp theo.
6. Giải quyết và cấp kinh phí cho các hoạt động giải quyết việc nuôi con nuôi được quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 114/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi từ nguồn ngân sách địa phương trên cơ sở dự toán kinh phí hàng năm do các cơ quan tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi lập.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tài chính.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp chủ động tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, làm đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết. Định kỳ báo cáo việc thực hiện công tác này hên địa bàn toàn tỉnh gửi Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Tư pháp trước ngày 31 tháng 11 hàng năm.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch; đôn đốc, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với các đơn vị và cơ sở trợ giúp xã hội thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn việc lập dự toán và quyết toán kinh phí giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước và có yếu tố nước ngoài; bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ động tuyên truyền và phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt pháp luật về nuôi con nuôi trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền./.
|
KT. CHỦ TỊCH |