BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO Số: 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TRONG VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 VỀ TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM, KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ
-------------------
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015;
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra, cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi tiến hành kiểm tra, xác minh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của nguồn tin về tội phạm.
2. Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi tiến hành kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Điều 4. Nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và quy định tại Thông tư liên tịch này.
3. Chỉ những cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mới được tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
4. Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người có thẩm quyền phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố về việc giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa.
Điều 5. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
a) Cơ quan điều tra;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Viện kiểm sát các cấp;
d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
a) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.
b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
Điều 6. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình.
2. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận mọi kiến nghị khởi tố và chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.
Viện kiểm sát giải quyết kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết kiến nghị khởi tố nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Trường hợp người phạm tội đến tự thú, đầu thú thì thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Điều 8. Phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này. Nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ Đội An ninh ở Công an cấp huyện) sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này. Nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
3. Viện kiểm sát sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
4. Đội An ninh ở Công an cấp huyện khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
5. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu, thông báo và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm, thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải báo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.
6. Tòa án, cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm có trách nhiệm chuyển và thông báo ngay tin đã nhận được cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại và hình thức khác nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
7. Đối với tin báo về tội phạm được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó ghi nhận và giải quyết. Trường hợp chưa xác định được nơi xảy ra sự việc hoặc liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà tin báo về tội phạm phản ánh thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi có trụ sở chính của phương tiện thông tin đại chúng (nơi có địa chỉ rõ ràng) có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ban đầu.
Điều 9. Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết, cấp trưởng Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trực tiếp chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, phân công Cán bộ điều tra thuộc quyền hoặc ra Quyết định phân công cấp phó trong việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với tố giác, tin báo về tội phạm sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì cấp trưởng ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan đã thụ lý, giải quyết phải ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Việc tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 148, Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Điều 10. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 159, Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này, Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc ra Quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và gửi ngay một bản cho Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã rõ về dấu hiệu của tội phạm mà Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thì Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc ra Quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Điều 11. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.
2. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp xét thấy đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra văn bản thông báo nêu rõ lý do cho cơ quan đang thụ lý, giải quyết và cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải dừng việc kiểm tra, xác minh, ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
3. Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.
Điều 12. Giải quyết các trường hợp liên quan đến thẩm quyền của nhiều đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra nhưng có nội dung liên quan đến nhiều đơn vị có chức năng giải quyết thuộc Cơ quan điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thể quyết định tách tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để phân công. Văn bản phân công phải gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm vừa có tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình, vừa có tội phạm không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền toàn bộ nội dung tiếp nhận.
3. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cùng một nội dung được gửi đến nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết thì xử lý như sau:
a) Trường hợp Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng có thẩm quyền giải quyết thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết;
b) Trường hợp Cơ quan điều tra cấp trên và Cơ quan điều tra cấp dưới cùng có thẩm quyền giải quyết thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên quyết định; trường hợp Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp trên và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp dưới cùng có thẩm quyền giải quyết thì cấp trưởng Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp trên quyết định.
4. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đề nghị cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khác tiến hành một số hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Văn bản đề nghị phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho cơ quan có thẩm quyền, Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền đó.
Cơ quan nhận được đề nghị phải thực hiện đầy đủ những việc được đề nghị trong văn bản mà cơ quan đang thụ lý, giải quyết đề nghị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện. Trường hợp không thực hiện được việc thực hiện yêu cầu thì phải có văn bản nêu rõ lý do gửi cơ quan đã gửi đề nghị.
Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan được đề nghị có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan được đề nghị và phải chuyển ngay kết quả cho Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
5. Trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thực hiện theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Điều 13. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Khi Viện kiểm sát có yêu cầu cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chuyển hồ sơ có liên quan để Viện kiểm sát trực tiếp thụ lý, giải quyết thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu.
Trường hợp cơ quan đang thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không nhất trí với yêu cầu của Viện kiểm sát thì vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố,Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị.
Điều 14. Thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phải thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp nhận cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết.
2. Khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải gửi kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại các điều 148, 154, 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
3. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết vụ việc.
4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải gửi quyết định phục hồi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Điều 15. Giải quyết yêu cầu, đề nghị của người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và người bị hại
1. Khi người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và người bị hại có yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Điều 16. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính
1. Đối với vụ việc tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan đã ra quyết định phải sao hồ sơ để lưu và chuyển hồ sơ, tài liệu (bản chính), tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan đã giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chuyển đến. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2018.
Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA- BQP-BTC-BNNPTOT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
Các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
KT. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT |
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Nơi nhận: |
|
*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.