BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ NGOẠI GIAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2013/TTLT-BCA-BTP- BNG-VKSNDTC-TANDTC |
Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2013 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án
đối với người đang chấp hành án phạt tù
Để áp dụng đúng và thống nhất những quy định của pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù như sau.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn về trình tự, thủ tục và điều kiện tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù.
Điều 2. Nguyên tắc tiếp nhận, chuyển giao
1. Phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Vì mục đích nhân đạo nhằm tạo thuận lợi cho người đang chấp hành án phạt tù cơ hội được tiếp tục chấp hành phần hình phạt tù còn lại tại nước mà họ mang quốc tịch hoặc nước khác đồng ý tiếp nhận.
3. Ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp không có điều ước quốc tế thì áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” nhưng không được trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Tiếp nhận” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận công dân Việt Nam bị kết án phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân ở nước chuyển giao để tiếp tục chấp hành án tại Việt Nam;
2. “Chuyển giao” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chuyển người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân tại các cơ sở giam giữ của Việt Nam cho nước tiếp nhận để tiếp tục chấp hành án tại nước đó;
3. “Người đang chấp hành án phạt tù” là nguời đang chấp hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc lãnh thổ nước chuyển giao;
4. “Tòa án nhân dân có thẩm quyền” là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của người đang chấp hành án phạt tù ở nước chuyển giao hoặc nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam;
5. “Cơ sở giam giữ” là trại giam, trại tạm giam hoặc nơi giam giữ khác trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc lãnh thổ nước chuyển giao;
6. “Trường hợp đặc biệt” quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 50 Luật tương trợ tư pháp được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:
a) Để phục vụ yêu cầu đối ngoại giữa Việt Nam và nước tiếp nhận;
b) Người đang chấp hành án phạt tù đang bị bệnh nặng đến mức không thể tiếp tục chấp hành án được là người mắc một trong các bệnh sau: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu..., có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người đang chấp hành án phạt tù bị bệnh nặng;
7. “Người được phép cư trú không thời hạn tại nước tiếp nhận” quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 50 Luật tương trợ tư pháp được hiểu là những người được phép đến, nhập cảnh và lưu lại lâu dài tại nước tiếp nhận;
8. “Người thân thích của người đang chấp hành án phạt tù” quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 50 Luật tương trợ tư pháp gồm: ông, bà nội, ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột của người đang chấp hành án phạt tù đó có nơi cư trú chính trên lãnh thổ của nước tiếp nhận.
Điều 4. Thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong hoạt động chuyển giao, tiếp nhận
1. Bộ Công an có thẩm quyền sau:
a) Tiếp nhận, yêu cầu chuyển giao;
b) Kiểm tra hồ sơ ban đầu; yêu cầu bổ sung hồ sơ (nếu cần thiết).
Trường hợp khi xem xét hồ sơ đề nghị chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ do mình quản lý, Bộ Công an thấy người đó chưa đủ điều kiện xem xét chuyển giao theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 hoặc thuộc một trong các trường hợp từ chối chuyển giao theo quy định tại Điều 51 Luật tương trợ tư pháp thì Bộ Công an thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu chuyển giao và người đang chấp hành án phạt tù đó về khả năng từ chối chuyển giao.
Trường hợp hồ sơ đề nghị tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù do các cơ sở giam giữ nước ngoài quản lý, nếu xét thấy chưa đủ điều kiện tiếp nhận hoặc chưa đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 50, Điều 52 và Điều 53 Luật tương trợ tư pháp thì Bộ Công an thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị về khả năng từ chối tiếp nhận hoặc yêu cầu nước đề nghị tiếp nhận cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam) liên quan đến việc chuyển giao, tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù.
3. Cơ quan đại diện Việt Nam trợ giúp cho các cơ quan có thẩm quyền ở trong nước trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài liên quan tới việc chuyển giao, tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù.
4. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nơi người được đề nghị chuyển giao về Việt Nam có nơi cư trú cuối cùng hoặc nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam xem xét, quyết định việc tiếp nhận, chuyển giao hoặc từ chối tiếp nhận, chuyển giao.
5. Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với các quyết định tiếp nhận, chuyển giao hoặc từ chối tiếp nhận, chuyển giao của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tham gia phát biểu quan điểm tại phiên họp xem xét tiếp nhận, yêu cầu chuyển giao, thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong hoạt động tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù.
Điều 5. Tiếp nhận, chuyển giao theo nguyên tắc “có đi có lại”
1. Việc tiếp nhận, chuyển giao theo đề nghị của phía Việt Nam
a) Trên cơ sở đề nghị của nguời đang chấp hành án phạt tù hoặc người đại diện hợp pháp của người đó, Bộ Công an lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận, chuyển giao theo quy định của pháp luật và có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, đồng thời gửi bản sao hồ sơ và văn bản cho Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nghiên cứu phối hợp. Trong văn bản gửi Bộ Ngoại giao cần nêu rõ sự cần thiết áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” với nước hữu quan, sự phù hợp của hồ sơ theo quy định của Luật tương trợ tư pháp và Thông tư này.
b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ý kiến bằng văn bản về sự cần thiết áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, sự phù hợp của hồ sơ đối với quy định tại các điều 50, 52 và 53 của Luật tuơng trợ tư pháp.
c) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ý kiến bằng văn bản.
d) Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao chủ trì xem xét việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”.
Trường hợp áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết, đồng thời có công hàm kèm theo hồ sơ liên quan gửi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Trường hợp không áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, Bộ Ngoại giao gửi trả lại hồ sơ cho Bộ Công an và nêu rõ lý do, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
đ) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của phía nước ngoài về việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, Bộ Ngoại giao có văn bản thông báo cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết, phối hợp.
2. Việc tiếp nhận, chuyển giao theo đề nghị của phía nước ngoài
a) Trường hợp Bộ Ngoại giao nhận được đề nghị tiếp nhận, chuyển giao của phía nước ngoài mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế liên quan đến việc tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và chưa có thỏa thuận hoặc tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” về vấn đề này, Bộ Ngoại giao có văn bản kèm theo hồ sơ (nếu có) đề nghị Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao (bản chính), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp phối hợp xem xét việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”.
b) Trường hợp Bộ Công an nhận được đề nghị tiếp nhận, chuyển giao của phía nước ngoài mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế liên quan đến tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và chưa có thỏa thuận hoặc tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, Bộ Công an có văn bản kèm theo bản sao hồ sơ (nếu có) đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”. Trong văn bản cần nêu rõ ý kiến của Bộ Công an về sự cần thiết áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, sự phù hợp của hồ sơ đối với quy định tại các điều 50, 52 và 53 Luật tương trợ tư pháp.
Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao có văn bản, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp phối hợp có ý kiến về sự cần thiết áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, sự phù hợp của hồ sơ đối với quy định tại các điều 50, 52 và 53 Luật tương trợ tư pháp.
c) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp phải có ý kiến bằng văn bản.
d) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao xem xét và quyết định việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” và trả lời bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có yêu cầu và gửi một bản sao văn bản đó cho Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp để phối hợp. Trường hợp đồng ý áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, trên cơ sở hồ sơ do phía nước ngoài đã gửi, các cơ quan liên quan thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo quy định.
Chương II
TIẾP NHẬN NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ TẠI NƯỚC NGOÀI VỀ VIỆT NAM TIẾP TỤC CHẤP HÀNH ÁN
Điều 6. Điều kiện tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù
Người đang chấp hành án phạt tù ở nước chuyển giao chỉ có thể được tiếp nhận về Việt Nam để tiếp tục chấp hành phần hình phạt tù còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Là công dân Việt Nam;
2. Có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam;
3. Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam;
4. Vào thời điểm tiếp nhận yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là 01 (một) năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này còn ít nhất là 06 (sáu) tháng;
5. Bản án đối với người được đề nghị chuyển giao về Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó tại nước chuyển giao;
6. Nước chuyển giao và người bị kết án đều đồng ý với việc chuyển giao. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó;
7. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam có quyết định đồng ý tiếp nhận đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 7. Hồ sơ đề nghị tiếp nhận chuyển giao
Hồ sơ đề nghị tiếp nhận chuyển giao phải được lập thành 03 (ba) bộ theo các quy định tại các điều 52 và 53 Luật tương trợ tư pháp trừ trường hợp điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam và nước chuyển giao là thành viên có quy định khác.
Điều 8. Xác định quốc tịch Việt Nam của người đang chấp hành án phạt tù
Khi nhận được yêu cầu tiếp nhận chuyển giao, cơ quan đầu mối của Bộ Công an phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tư pháp xác minh quốc tịch Việt Nam của người đang chấp hành án phạt tù. Trình tự, thủ tục xác minh quốc tịch thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Điều 9. Trình tự, thủ tục nhận yêu cầu chuyển giao; xem xét, quyết định việc tiếp nhận
1. Công dân Việt Nam phạm tội và bị kết án phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn tại nước ngoài có nguyện vọng được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại thì có thể làm đơn (hoặc thông qua người đại diện hợp pháp) trình bày nguyện vọng đó với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cơ quan đại diện Việt Nam.
2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được đơn xin được chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù, Cơ quan đại diện Việt Nam chuyển đơn, hồ sơ cho Bộ Công an để vào sổ hồ sơ.
3. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an vào sổ hồ sơ và kiểm tra hồ sơ theo quy định tại các điều 52 và 53 Luật tương trợ tư pháp. Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao cung cấp thông tin bổ sung vào hồ sơ. Sau 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho nước chuyển giao và nêu rõ lý do, đồng thời gửi cho người đang chấp hành án phạt tù có yêu cầu tiếp nhận về Việt Nam (hoặc người đại diện hợp pháp của người đó) biết. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an chuyển ngay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền 02 (hai) bộ hồ sơ để xem xét, quyết định có tiếp nhận chuyển giao về Việt Nam hay không.
4. Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu tiếp nhận do Bộ Công an chuyển đến, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong thời hạn chuẩn bị xem xét yêu cầu tiếp nhận, Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài làm rõ những điểm chưa rõ trong hồ sơ yêu cầu tiếp nhận. Văn bản yêu cầu và văn bản trả lời được gửi thông qua Bộ Công an.
5. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra một trong các quyết định sau:
a) Xem xét yêu cầu tiếp nhận khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 50 Luật tuơng trợ tư pháp và Điều 6 của Thông tư này;
b) Đình chỉ việc xem xét yêu cầu tiếp nhận và trả hồ sơ cho Bộ Công an trong trường hợp không thuộc thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc người yêu cầu rút yêu cầu chuyển giao hoặc vì các lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được.
6. Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét yêu cầu tiếp nhận trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ tại Khoản 3 Điều này và chuyển ngay một bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
7. Việc xem xét yêu cầu tiếp nhận đuợc tiến hành tại phiên họp do Hội đồng gồm 03 (ba) thẩm phán trong đó có 01 (một) thẩm phán làm chủ tọa và có sự tham gia của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
8. Hội đồng xem xét yêu cầu tiếp nhận làm việc theo trình tự quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật tương trợ tư pháp.
9. Chậm nhất là 10 (mười) ngày, kể từ ngày ra quyết định tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận, Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để xem xét việc có kháng nghị hay không; đồng thời gửi cho Bộ Công an để thông báo cho phía nước ngoài biết.
10. Quyết định tiếp nhận, từ chối tiếp nhận có hiệu lực pháp luật bao gồm:
a) Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị;
b) Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.
11. Trường hợp quyết định đồng ý tiếp nhận, trong thời hạn năm (05) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tiếp nhận có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã ra quyết định sơ thẩm ra các quyết định sau đây:
a) Quyết định thi hành quyết định tiếp nhận;
b) Quyết định tiếp tục thi hành án phạt tù tại Việt Nam;
c) Quyết định chuyển đổi hình phạt theo quy định tại Điều 19 Thông tư này trong trường hợp tính chất và thời hạn của hình phạt nước chuyển giao đã tuyên không tương thích với quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 10. Xác minh sự đồng ý của người được chuyển giao
Trong trường hợp cần thiết, trước khi có quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an cử cán bộ đến nước chuyển giao hoặc ủy quyền cho cơ quan đại diện Việt Nam tại nước chuyển giao để xác định xem người đó có đồng ý một cách tự nguyện và với nhận thức đầy đủ về những hệ quả pháp lý của việc chuyển giao hay không.
Điều 11. Tổ chức tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù
1. Sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an trao đổi thống nhất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước chuyển giao về thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận và tổ chức việc tiếp nhận, áp giải người được chuyển giao về cơ sở giam giữ nơi người đó sẽ tiếp tục thi hành án phạt tù tại Việt Nam.
2. Thành phần Đoàn tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù gồm có:
a) Đại diện Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an làm Trưởng đoàn;
b) Cảnh sát hỗ trợ tư pháp.
3. Việc tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù từ nước chuyển giao phải được lập thành biên bản gồm 03 (ba) bản bằng tiếng Việt, 03 (ba) bản tiếng Anh và 03 (ba) bản bằng tiếng của nước tiếp nhận; có chữ ký xác nhận của đại diện các cơ quan có trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều này và đại diện cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao.
4. Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an quyết định và chỉ định cơ sở giam giữ tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù có quyết định tiếp nhận.
Chương III
CHUYỂN GIAO NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM CHO PHÍA NƯỚC NGOÀI
Điều 12. Thông báo về quyền được yêu cầu chuyển giao
1. Khi tuyên bản án và hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có trách nhiệm thông báo cho bị cáo là các đối tượng nêu tại điểm a Khoản 2 Điều 50 Luật tương trợ tư pháp biết về quyền được yêu cầu chuyển giao.
2. Hàng năm, Bộ Công an thực hiện việc thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù là người nước ngoài đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ do Bộ Công an quản lý biết về quyền được yêu cầu chuyển giao.
Điều 13. Hồ sơ yêu cầu chuyển giao
Hồ sơ yêu cầu chuyển giao và tài liệu kèm theo được quy định tại các điều 52 và 53 của Luật tương trợ tư pháp và các quy định trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam và phía nước ngoài là thành viên.
Điều 14. Xác định sự đồng ý chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù
1. Việc xác định sự đồng ý chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù được căn cứ vào:
a) Đơn xin chuyển giao của người đó;
b) Bản tuyên bố của người đang chấp hành án phạt tù hoặc người đại diện hợp pháp trong trường hợp người bị kết án phạt tù là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần dẫn đến người đó không có đầy đủ năng lực hành vi, khả năng nhận thức về việc họ hiểu biết đầy đủ về hệ quả của việc chuyển giao và các quyền, nghĩa vụ của việc chuyển giao.
2. Căn cứ vào yêu cầu của nước tiếp nhận và từng vụ việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cho phép nước tiếp nhận cử đại diện sang Việt Nam để xác minh sự đồng ý chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù.
Điều 15. Trình tự, thủ tục xem xét quyết định chuyển giao, từ chối chuyển giao
Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định chuyển giao, từ chối chuyển giao cho phía nước ngoài thực hiện theo quy định tại các điều 50, 51 và 55 Luật tương trợ tư pháp và các quy định khác trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên và quy định tại Thông tư liên tịch này.
Điều 16. Quyết định bảo lưu bản án, quyết định của Tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trường hợp đồng ý chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cho nước ngoài, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm, phúc thẩm ra quyết định bảo lưu bản án, quyết định mà Tòa án Việt Nam đã tuyên đối với người phạm tội.
Điều 17. Thực hiện việc chuyển giao
1. Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định chuyển giao, Bộ Công an thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về thời gian, địa điểm và cách thức chuyển giao.
2. Căn cứ quyết định của Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ sở giam giữ người đang chấp hành án phạt tù có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc áp giải người đang chấp hành án phạt tù đến địa điểm và đúng thời gian đã thỏa thuận để bàn giao cho nước ngoài. Thành phần Đoàn áp giải người đang chấp hành án phạt tù gồm có:
a) Đại diện Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an làm Trưởng đoàn;
b) Giám thị hoặc Phó Giám thị cơ sở giam giữ nơi người đang chấp hành án phạt tù đang chấp hành hình phạt tù.
3. Việc bàn giao người đang chấp hành án phạt tù cho nước tiếp nhận phải được lập thành biên bản gồm 03 (ba) bản bằng tiếng Việt, 03 (ba) bản tiếng Anh và 03 (ba) bản bằng tiếng của nước tiếp nhận; có chữ ký xác nhận của đại diện các cơ quan có trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều này và đại diện cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận.
4. Quá thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao không tiếp nhận chuyển giao mà không có lý do chính đáng thì Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an lập biên bản về việc này và thông báo ngay cho Tòa án đã ra quyết định chuyển giao biết để xem xét, hủy quyết định chuyển giao. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Tòa án đã ra quyết định chuyển giao phải tiến hành họp và ra quyết định hủy quyết định chuyển giao và thông báo ngay cho Bộ Công an biết để thông báo cho nước ngoài.
Sau khi nhận được quyết định hủy quyết định chuyển giao, Bộ Công an thông báo ngay cho nước ngoài và người đang chấp hành án phạt tù đó biết về quyết định của Tòa án Việt Nam và ra quyết định trả người đang chấp hành án phạt tù về cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành án tại Việt Nam.
5. Trường hợp quá thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao chưa thể tiếp nhận chuyển giao do có những nguyên nhân khách quan và đã thông báo cho Bộ Công an biết về sự chậm trễ này và cam kết bằng văn bản việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh do việc chậm chễ tiếp nhận chuyển giao gây nên, thì Bộ Công an có thể ra quyết định hoãn thực hiện quyết định chuyển giao và thỏa thuận với nước ngoài để ấn định thời gian và địa điểm mới thực hiện việc chuyển giao. Việc hoãn thực hiện quyết định chuyển giao không được quá 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được văn bản cam kết của nước ngoài về việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù.
Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an ra quyết định đưa người đang chấp hành án phạt tù vào cơ sở giam giữ gần và thuận tiện nhất cho việc chuyển giao theo thỏa thuận mới.
Điều 18. Thông báo về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, đại xá cho người đang chấp hành án phạt tù đã được chuyển giao
1. Ngay sau khi nhận được thông báo về quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, đại xá cho người đang chấp hành án phạt tù đã được chuyển giao, Bộ Công an thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài biết để thực hiện việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, đại xá cho người đang chấp hành án phạt tù.
2. Cơ quan đại diện Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an giám sát việc cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận thực hiện quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, đại xá của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Chương IV
TIẾP TỤC THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 19. Chuyển đổi hình phạt
Việc chuyển đổi hình phạt được thực hiện như sau:
1. Khi ra quyết định tiếp nhận công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về nước để tiếp tục thi hành án tại Việt Nam, Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét có phải chuyển đổi hình phạt không. Nếu tính chất hoặc thời hạn của hình phạt đó không phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam thì có thể chuyển đổi hình phạt đó cho phù hợp với hình phạt mà pháp luật của Việt Nam quy định đối với tội phạm tương tự. Khi chuyển đổi hình phạt, Tòa án có thẩm quyền phải căn cứ vào các kết luận về sự việc của vụ án được thể hiện trong các ý kiến, bản luận tội, phán quyết hoặc hình phạt đã được nước chuyển giao tuyên. Hình phạt chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn hình phạt mà nước chuyển giao đã tuyên về tính chất và thời hạn.
2. Trường hợp người phạm tội bị xử phạt tù có thời hạn trên 30 (ba mươi) năm đối với nhiều tội hoặc trên 20 (hai mươi) năm đối với một tội, sau khi trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định để thời hạn phải chấp hành phần hình phạt còn lại của người được tiếp nhận cao nhất đến 30 (ba mươi) năm tù (trường hợp phạm nhiều tội) hoặc đến 20 (hai mươi) năm tù (trường hợp phạm một tội) theo quy định về quyết định hình phạt của Bộ luật hình sự Việt Nam và được trừ thời gian người đó đã thi hành hình phạt ở nước ngoài.
Điều 20. Thực hiện chế độ đối với người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về Việt Nam
1. Các chế độ và quyền lợi của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về Việt Nam được thực hiện như đối với người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam.
2. Trong thời gian người đang chấp hành án phạt tù tiếp tục chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam, người đang chấp hành án phạt tù được hưởng các chế độ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, xem xét tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù, đặc xá, đại xá theo quy định của pháp luật Việt Nam như những người đang chấp hành án phạt tù khác.
3. Trong trường hợp nhận được thông báo về quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù, đặc xá, đại xá hoặc bất kỳ quyết định, biện pháp nào của nước chuyển giao đối với người được chuyển giao về Việt Nam dẫn đến việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Bộ Công an thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 22 Thông tư này.
4. Người được chuyển giao là người chưa thành niên được hưởng các quy định về giam giữ đối với người đang chấp hành án phạt tù là người chưa thành niên theo pháp luật Việt Nam.
Điều 21. Thông báo về tình hình chấp hành án của người đang chấp hành án phạt tù
Bộ Công an thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khi:
1. Người đang chấp hành án phạt tù được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc đặc xá;
2. Người đang chấp hành án phạt tù đã chấp hành xong án phạt tù;
3. Người đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn khỏi nơi giam giữ;
4. Người đang chấp hành án phạt tù chết trước khi chấp hành xong án phạt tù;
5. Phía nước ngoài đề nghị thông báo về tình hình chấp hành án của người đang chấp hành án phạt tù.
Điều 22. Thực hiện quyết định đặc xá hoặc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của nước chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù
Khi nhận được thông báo về quyết định đặc xá hoặc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của nước chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an gửi ngay thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục như sau:
1. Báo cáo đề xuất Chính phủ trình Chủ tịch nước về quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù đã tiếp nhận về Việt Nam của nước ngoài để quyết định theo thẩm quyền;
2. Thông báo cho Tòa án nhân dân tối cao về quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của nước chuyển giao để ra quyết định công nhận và cho thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại Việt Nam của Tòa án nước chuyển giao;
3. Sau khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công an thực hiện việc đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho người đang chấp hành án phạt tù.
Chương V
HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực của Thông tư liên tịch
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013.
Điều 24. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề cần phải giải thích, hướng dẫn đề nghị phản ánh cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để có giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
|
KT. CHÁNH ÁN |
KT. VIỆN TRƯỞNG |
||