VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 277/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN CƠ SỞ DỮ LIỆU CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Ngày 26 tháng 7 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp về Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo về Đề án; ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực kết luận như sau:
1. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết để khắc phục sự thiếu thống nhất về dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý trong hệ thống cơ quan nhà nước.
2. Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 437/TB-VPCP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, chú trọng những vấn đề sau đây:
a) Về việc phân công đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu:
Bộ Nội vụ là đầu mối chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức của toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương về việc phân công đầu mối quản lý dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp.
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai Đề án và xác định phạm vi của Đề án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về công tác cán bộ và tương thích khi tích hợp vào Cơ sở dữ liệu của Ban Tổ chức Trung ương.
c) Trên cơ sở kết quả khảo sát thực trạng về cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tại các bộ, ngành, địa phương, đánh giá cụ thể, đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng,...để có giải pháp phù hợp. Lưu ý tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tài nguyên dữ liệu hiện có, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí. Quá trình triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng các nhóm giải pháp cần huy động đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin để có những đề xuất khả thi và hiệu quả.
d) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các giải pháp kỹ thuật, các phương án kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xác định rõ quyền truy cập đối với từng loại dữ liệu của từng chủ thể, cơ quan quản lý dữ liệu. Các giải pháp được xây dựng theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tích hợp với các hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có, không phải xây dựng lại hệ thống mới; bảo đảm kết nối theo chuẩn chung với dữ liệu của Ban Tổ chức Trung ương. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cập nhật thông tin dữ liệu để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về cán bộ, công chức, viên chức.
đ) Việc xây dựng và triển khai Đề án cần thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, có phương án kinh phí cụ thể và triển khai theo hình thức thuê dịch vụ.
Không thành lập tổ chức mới trong xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án.
e) Hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ vào Quý III năm 2018.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan biết, phối hợp thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |