VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 268/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
Ngày 14 tháng 7 năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Hội nghị). Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới, một số trường, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo kế hoạch thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 ngày 5 tháng 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) và một số đề xuất, kiến nghị để triển khai Chương trình OCOP trong thời gian tới, ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kết quả phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018, về nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,93%, xuất khẩu nông sản 9,4 tỷ USD (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước), hiện nay cả nước đã có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (37,7%), 53 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới, tạo nên điều kiện thuận lợi để cả nước tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần tích cực vào kết quả chung của đất nước trong phát triển kinh tế xã hội thời gian qua.
Chương trình OCOP được xem là một giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn Việt Nam, giúp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy Chương trình OCOP mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc nhưng trên thực tế, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện từ nhiều năm trước đây, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và dẫn đầu cả nước triển khai từ năm 2013, từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia chương trình, đến nay Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia.
Sau gần một năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy mô hình mỗi xã, phường một sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng Đề án, đến nay cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án, 30 tỉnh, thành phố lập xong Đề án, đặc biệt đã có 06 tỉnh phê duyệt Đề án. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sớm ban hành chỉ đạo hệ thống ngân hàng trong cả nước triển khai hướng dẫn thực hiện tín dụng cho Chương trình OCOP. Hiện cả nước có hơn 5.000 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.
II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI
1. Cơ bản đồng ý với kế hoạch của Chương trình đến năm 2020 là tiêu chuẩn hóa gần 2.400 sản phẩm, củng cố 3.920 tổ chức kinh tế tham gia OCOP, phấn đấu phát triển mới 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP, cần lưu ý một số nhiệm vụ sau:
a) Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước. Đây là những thách thức rất lớn, đòi hỏi các Bộ, ngành cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn các địa phương, triển khai đồng bộ, trong đó cần lồng ghép các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến phát triển kinh tế nông thôn, như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ phát triển ngành nghề nông thôn, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
b) Chương trình OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, hướng tới quốc tế. Chương trình OCOP sẽ tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp Việt Nam, vì vậy, nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong quá trình sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường. Chương trình OCOP cũng như Chương trình xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện để tiếp tục triển khai lâu dài. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần tập trung truyền thông về Chương trình OCOP, nhằm thống nhất về cách hiểu, cách làm, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội khi triển khai, coi nội dung tuyên truyền Chương trình OCOP là một nội dung trong cuộc thi báo chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững;
c) Khẩn trương kiện toàn hệ thống thực hiện Chương trình OCOP như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng lồng ghép nhiệm vụ trong Ban chỉ đạo và Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp, có bộ phận chuyên trách triển khai Chương trình OCOP;
d) Huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn. Khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân, nguồn hỗ trợ ODA và các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai Chương trình, nhất là thu hút đầu tư từ các chủ thể kinh tế là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Bố trí một phần kinh phí cho việc xây dựng các đề án phát triển kinh tế, xã hội phục vụ Chương trình OCOP;
đ) Xây dựng và phát triển mạng lưới đối tác OCOP, trong đó có các đối tác quốc tế, tài chính tín dụng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và bảo hộ, sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP từ Trung ương đến địa phương.
2. Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tổng hợp các ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, hoàn thiện và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và các văn bản hướng dẫn;
- Chỉ đạo và hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phê duyệt Đề án Chương trình OCOP để triển khai ngay trong năm 2018;
- Khẩn trương thực hiện các nội dung theo Quyết định số 490/QĐ-TTg , bao gồm: thành lập Hội đồng tư vấn Chương trình OCOP để hỗ trợ các địa phương đánh giá, xếp loại sản phẩm, nghiên cứu cơ chế chính sách thực hiện Đề án và tổ chức thực hiện; khẩn trương lựa chọn 10 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng kinh tế để chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình OCOP;
- Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, báo cáo tổng kết hàng năm Chương trình OCOP cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
b) Các Bộ, ngành, cơ quan
Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 490/QĐ-TTg để chủ động ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, trong đó, chú ý đến hướng dẫn chu trình OCOP, cơ chế huy động nguồn lực, tiếp cận vốn vay, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm du lịch, đồng thời đề xuất các dự án thành phần giúp triển khai Chương trình OCOP, phát triển nhanh 6 nhóm sản phẩm chủ lực, hệ thống giám sát sản phẩm, xúc tiến thương mại.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Căn cứ nhiệm vụ Chương trình OCOP được Thủ tướng phê duyệt, tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể, cần chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, huyện, cấp tỉnh, quốc gia; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm;
- Các đại biểu địa phương tham dự Hội nghị có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bằng văn bản, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh khẩn trương đề xuất nhiệm vụ triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |