ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2018/QĐ-UBND |
Hà Nam, ngày 20 tháng 04 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông;
Căn cứ Thông tư số G"> 18/2014/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 và đoạn đầu khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014.
Căn cứ Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên;
Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tuyển sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 5 năm 2018 và thay thế Quyết định số 534/QĐ-UBND ngày 04/6/2014 của UBND tỉnh Hà Nam Quy định tuyển sinh trung học phổ thông.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 20 tháng 04 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông chuyên và không chuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam.
2. Quy định này áp dụng đối với người học là người Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nam vào học tại các trường trung học phổ thông trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam.
3. Các nội dung khác ngoài Quy định này, thực hiện theo Quy chế tuyển sinh trung học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Phương thức, chỉ tiêu, hướng dẫn tuyển sinh
1. Phương thức tuyển sinh: Thi tuyển
2. Chỉ tiêu tuyển sinh: Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Hướng dẫn tuyển sinh: Hàng năm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh, phân vùng tuyển sinh và xác định điểm sàn trúng tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh (điểm sàn không thấp hơn 12 điểm).
Chương II
TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG KHÔNG CHUYÊN
Điều 3. Chế độ ưu tiên
1. Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng:
a) Con liệt sĩ;
b) Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;
c) Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;
d) Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”;
e) Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
2. Cộng 1,0 điểm cho một trong các đối tượng:
a) Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
b) Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;
c) Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;
d) Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.
3. Cộng 0,5 điểm cho một trong các đối tượng:
a) Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;
b) Người dân tộc thiểu số;
Điều 4. Chế độ khuyến khích
Chỉ áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh năm học 2018-2019 như sau:
Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp trung học cơ sở:
- Loại giỏi: cộng 1,5 điểm;
- Loại khá: cộng 1,0 điểm;
- Loại trung bình: cộng 0,5 điểm.
Điều 5. Môn thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm thi tuyển, nguyên tắc xét trúng tuyển và phương thức xét trúng tuyển
1. Môn thi
Thi viết ba môn: Toán, Ngữ văn và môn thứ 3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chọn và công bố môn thi thứ 3 trong văn bản hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông.
2. Thời gian làm bài thi
a) Môn Toán, Ngữ văn: 120 phút/môn thi;
b) Môn thi thứ 3: 60 phút;
3. Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi
a) Điểm bài thi tính theo thang điểm 10, nếu chấm bài thi theo thang điểm khác thì kết quả điểm các bài thi phải quy đổi ra thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
b) Hệ số điểm bài thi:
+ Hệ số 2: môn Toán, môn Ngữ văn;
+ Hệ số 1: môn thi thứ 3.
4. Điểm thi tuyển là tổng số điểm ba bài thi đã tính theo hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
5. Nguyên tắc xét trúng tuyển:
Chỉ xét trúng tuyển đối với thí sinh có hồ sơ hợp lệ, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh, không có bài thi nào bị điểm 0 và có điểm thi tuyển đạt từ điểm sàn trở lên.
6. Phương thức xét trúng tuyển vào trường trung học phổ thông
a) Xét trúng tuyển đợt 1:
+ Thí sinh dự thi vào trường trung học phổ thông nào thì được xét trúng tuyển vào trường trung học phổ thông đó.
+ Xét từ cao xuống thấp theo điểm thi tuyển cho đến hết chỉ tiêu.
b) Xét trúng tuyển đợt 2 (chỉ áp dụng cho các trường còn chỉ tiêu sau khi đã xét trúng tuyển đợt 1):
- Những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 mà điểm thi tuyển đạt từ điểm sàn trở lên chỉ được nộp hồ sơ để xét tuyển đợt 2 vào một trường trung học phổ thông còn chỉ tiêu trên địa bàn huyện, thành phố nơi có hộ khẩu thường trú.
- Xét từ cao xuống thấp theo điểm thi tuyển cho đến hết chỉ tiêu.
Điều 6. Đề thi
1. Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình trung học cơ sở do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, không sai sót, phân hóa được trình độ học sinh, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.
2. Mỗi môn có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu nội dung, thời gian làm bài. Mỗi đề thi phải có hướng dẫn chấm và biểu điểm kèm theo.
3. Đề thi và hướng dẫn chấm thi chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”.
Điều 7. Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vận dụng các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông để ban hành các văn bản quy định về ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông không chuyên.
Chương III
TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN
Điều 8. Cách thức tính điểm sơ tuyển hồ sơ
1. Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, thi tài năng cấp tỉnh, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế do Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc phối hợp tổ chức:
a) Đạt giải quốc gia, quốc tế: 2,0 điểm
b) Giải Nhất cấp tỉnh (hoặc huy chương Vàng): 2,0 điểm;
c) Giải Nhì cấp tỉnh (hoặc huy chương Bạc): 1,5 điểm;
d) Giải Ba cấp tỉnh ( hoặc huy chương Đồng): 1,0 điểm;
e) Giải Khuyến khích cấp tỉnh: 0,5 điểm.
(Nếu một học sinh đồng thời đạt nhiều giải thì điểm tối đa không vượt quá 4,0 điểm.)
2. Kết quả học lực 4 năm cấp trung học cơ sở
a) Mỗi năm đạt loại giỏi: 1,0 điểm/năm;
b) Mỗi năm học lực loại khá: 0,5 điểm/năm;
3. Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở
a) Loại giỏi: 2,0 điểm
b) Loại khá: 1,0 điểm.
Điều 9. Môn thi, đề thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm thi tuyển, nguyên tắc và phương thức xét trúng tuyển
1. Môn thi: Thi viết ba môn không chuyên (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và 01 môn chuyên. Nếu môn chuyên là một trong ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thì mỗi môn này phải thi 2 bài: Một bài thi không chuyên và một bài thi chuyên với mức độ yêu cầu cao hơn.
2. Đề thi: Đề thi được áp dụng hình thức tự luận. Riêng môn Tiếng Anh được áp dụng các hình thức kết hợp tự luận và trắc nghiệm.
3. Thời gian làm bài thi:
a) Các bài thi không chuyên: Môn Toán và môn Ngữ văn là 120 phút; môn Tiếng Anh được vận dụng phù hợp với hình thức thi, tối thiểu là 60 phút.
b) Các bài thi chuyên: 150 phút
4. Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi và điểm thi tuyển:
a) Điểm bài thi tính theo thang điểm 10, nếu chấm bài thi theo thang điểm khác thì kết quả điểm các bài thi phải quy đổi ra thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
b) Hệ số điểm bài thi: Điểm các bài thi không chuyên tính hệ số 1, điểm các bài thi môn chuyên tính hệ số 2.
c) Điểm thi tuyển vào lớp chuyên là tổng số điểm các bài thi không chuyên và bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên (đã tính hệ số).
5. Nguyên tắc xét trúng tuyển:
Chỉ xét trúng tuyển đối với thí sinh có hồ sơ hợp lệ, có điểm sơ tuyển đạt từ 3,0 trở lên, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh, có các bài thi không chuyên đạt từ 3,0 điểm trở lên và bài thi chuyên đạt điểm từ 4,0 trở lên.
6. Phương thức xét trúng tuyển vào lớp chuyên: Căn cứ điểm thi tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.
Điều 10. Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vận dụng các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, để ban hành các văn bản quy định về ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông chuyên./.