HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2018/NQ-HĐND |
Bình Thuận, ngày 30 tháng 3 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, ĐA DẠNG HÓA SINH KẾ VÀ DỰ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA X, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 26 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo;
Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020;
Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và xét Tờ trình số 900/TTr-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định nội dung và mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về nội dung và mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; bao gồm:
1. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a; xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.
2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo được tham gia dự án theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Quyết định số 1722/QĐ-TTg).
2. Nhóm hộ, cộng đồng dân cư (theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, sau đây viết tắt là Thông tư số 15/2017/TT-BTC).
3. Tổ chức và cá nhân có liên quan.
Chương II
NỘI DUNG VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, ĐA DẠNG HÓA SINH KẾ VÀ DỰ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN (ĐBKK) THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 30A, XÃ ĐBKK VÀ THÔN ĐBKK THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135
Điều 3. Nội dung, mức chi xây dựng và quản lý dự án
Mức chi xây dựng và quản lý dự án: Theo quy định hiện hành trong phạm vi dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt bằng 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và bằng 10% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án.
Điều 4. Nội dung hỗ trợ, định mức kỹ thuật và mức chi chuyên môn của dự án
1. Mức hỗ trợ và nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Thông tư 15/2017/TT-BTC.
2. Định mức chi hỗ trợ cho các đối tượng thực hiện dự án, cụ thể:
a) Đối với hộ nghèo: Mức chi hỗ trợ 16.000.000 đồng/hộ;
b) Đối với hộ cận nghèo: Mức chi hỗ trợ 15.000.000 đồng/hộ;
c) Đối với hộ mới thoát nghèo: Mức chi hỗ trợ 14.000.000 đồng/hộ.
3. Định mức chi hỗ trợ thực hiện dự án đối với các xã thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 tối đa 300 triệu đồng/dự án.
Chương III
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, ĐA DẠNG HÓA SINH KẾ VÀ DỰ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC XÃ NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH 30A VÀ CHƯƠNG TRÌNH 135
Điều 5. Nội dung, mức chi xây dựng và quản lý dự án
Nội dung, mức chi xây dựng và quản lý dự án theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này.
Điều 6. Nội dung hỗ trợ, định mức kỹ thuật và mức chi chuyên môn của dự án
1. Nội dung hỗ trợ và định mức kỹ thuật của dự án theo quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này.
2. Định mức chi hỗ trợ cho các đối tượng thực hiện dự án, cụ thể:
a) Đối với hộ nghèo: Mức chi hỗ trợ 15.000.000 đồng/hộ;
b) Đối với hộ cận nghèo: Mức chi hỗ trợ 14.000.000 đồng/hộ;
c) Đối với hộ mới thoát nghèo: Mức chi hỗ trợ 13.000.000 đồng/hộ.
3. Định mức chi hỗ trợ thực hiện dự án đối với các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 tối đa 250 triệu đồng/dự án.
Chương IV
NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN VÀ PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ
Điều 7. Nguyên tắc và điều kiện hỗ trợ
Đảm bảo thực hiện theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 15/2017/TT-BTC.
Điều 8. Phương thức hỗ trợ
1. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua các dự án do cộng đồng đề xuất hoặc do Ủy ban nhân dân xã (chủ đầu tư) lập theo quy định trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
2. Hàng năm, căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, chủ đầu tư tiến hành rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định để lập dự án trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định và quyết định phê duyệt dự án với các nội dung: Tên dự án, mô hình (nếu có); thời gian triển khai tối đa không quá 03 năm; địa bàn thực hiện; số hộ tham gia (cụ thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ không nghèo tham gia dự án); các hoạt động của dự án, dự toán kinh phí thực hiện dự án, nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn lồng ghép thực hiện các chính sách và vốn đối ứng của các hộ gia đình tham gia mô hình); dự kiến hiệu quả của dự án và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan.
3. Việc hỗ trợ các đối tượng được thực hiện 01 lần/đối tượng/dự án; trường hợp hộ đã tham gia dự án nhưng chưa thoát nghèo hoặc chưa thoát cận nghèo thì Ủy ban nhân dân xã có thể xem xét, thống nhất bình chọn để hỗ trợ tham gia dự án tiếp theo.
4. Đối với những hộ mới thoát nghèo (đã thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định), Ủy ban nhân dân xã xác nhận thì được hỗ trợ duy nhất 01 lần/ hộ mới thoát nghèo/dự án.
5. Lồng ghép nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội, huy động đóng góp của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; các nguồn tài chính hợp pháp khác.
6. Trường hợp hàng năm do bố trí nguồn vốn ngân sách có hạn thì tùy theo tình hình thực tế địa phương rà soát các đối tượng hỗ trợ, xem xét quy mô, số dự án đầu tư cho phù hợp với vốn bố trí, ưu tiên những hộ và địa bàn khó khăn thực hiện trước.
Điều 9. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách Trung ương: Bổ sung hàng năm có mục tiêu cho địa phương để triển khai các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững theo quy định.
2. Ngân sách địa phương hàng năm bố trí vốn đối ứng kịp thời theo tỷ lệ: Tối thiểu bằng 15% trên tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình; trong đó: Ngân sách cấp tỉnh tối thiểu là 10% và 5% ngân sách cấp huyện.
3. Nguồn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, huy động đóng góp của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 11. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa X, kỳ họp bất thường thông qua ngày 28 tháng 3 năm 2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 4 năm 2018 và thay thế Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh./.
|
CHỦ TỊCH |