Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 2018 mới nhất

18:40 - 22/07/2018 Tin pháp luật
Mức đóng BHXH bắt buộc năm 2018 có sự thay đổi như thế nào? Cập nhật mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc mới nhất do Nhà nước quy định dành cho người lao động và người sử dụng lao động.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia theo quy định của Nhà nước. Luật này cũng quy định mức đóng BHXH bắt buộc cho từng đối tượng.

 

Điều 5 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định rõ, mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Bắt đầu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

bảo hiểm xã hội bắt buộc

(Người lao động và người tham gia lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc - Ảnh minh họa)

 

Căn cứ Điều 85, Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 44/2017/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc mới nhất của người lao động và người sử dụng lao động như sau:

 

Đối tượng

Quỹ hưu trí và tử tuất

Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Quỹ ốm đau và thai sản

Tổng mức đóng

Người lao động

8%

Không

Không

8%

Người sử dụng lao động

14%

0,5%

3%

17,5%

Lưu ý: Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.

 

Từ ngày 1/7/2018, lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng, do đó, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 27.800.000 đồng thì tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc là 27.800.000 đồng.

Trích dẫn Điều 5 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016):

Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
 
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
 
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
 
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
 
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
 
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
 
Trích dẫn Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016):
 
Điều 86. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động
 
1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:
 
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
 
b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
 
c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
 
2. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:
 
a) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
 
b) 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
 
3. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này.
 
4. Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này.
 
5. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
 
6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết khoản 5 Điều 85 và khoản 5 Điều 86 của Luật này.
Chia sẻ