Khi nào viên chức bị chuyển vị trí làm việc?

11:42 - 10/09/2018 Tin pháp luật
Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
 
Vị trí việc làm của viên chức là gì?
 
Theo khoản 1 Điều 7 Luật Viên chức 2010, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng. Đây là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Đồng thời, theo Điều 25 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ.
 
Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức, phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.
 
Như vậy, vị trí việc làm là cơ sở để thực hiện sắp xếp bộ máy, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và xây dựng chế độ đãi ngộ… đối với viên chức, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của cơ quan, tổ chức.

Khi nào viên chức bị chuyển vị trí làm việc

 Hình ảnh minh họa: Khi nào viên chức bị chuyển vị trí làm việc?
 
Viên chức có bị thay đổi vị trí việc làm việc?
 
Điều 32 Luật Viên chức 2010 quy định, khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
 
Theo đó, viên chức có thể bị thay đổi vị trí việc làm, tùy thuộc vào nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
 
Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.
 
Lưu ý:
 
Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc.
 
Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc.
 
Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.

 

HươngPT
Chia sẻ