ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 177/KH-UBND |
Cần Thơ, ngày 15 tháng 12 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN
Thực hiện Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các quy định của Luật Tiếp cận thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố;
b) Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
2. Yêu cầu
a) Việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên và tập trung chỉ đạo tại các cơ quan, đơn vị và địa phương;
b) Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý và triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
II. NỘI DUNG
1. Tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Luật Tiếp cận thông tin
a) Căn cứ Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2016 của UBND thành phố về triển khai, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua, sở, ban ngành, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Tiếp cận thông tin bằng hình thức, nội dung phù hợp theo đối tượng của từng cơ quan, ban ngành và địa phương;
b) Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phối hợp với cơ quan, ban ngành liên quan hướng dẫn về nội dung tuyên truyền, các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin phù hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện theo quy định;
c) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan: Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Đài Truyền thanh quận, huyện có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những quy định của Luật Tiếp cận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, tin, bài phổ biến Luật Tiếp cận thông tin; tăng cường tuyên truyền những quy định cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin qua hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở; phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn nội dung tuyên truyền Luật Tiếp cận thông tin để đăng tải qua Cổng thông tin điện tử thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phần của cơ quan, ban ngành, quận, huyện;
d) Thời gian thực hiện: Năm 2017 và những năm tiếp theo.
2. Xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin
a) Trên cơ sở tài liệu của Bộ Tư pháp, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp (cơ quan Tư pháp tham mưu) biên soạn, biên tập, phát hành tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và tuyên truyền ra nhân dân.
Thời gian thực hiện: Quý I năm 2018.
b) Xây dựng Sổ tay hướng dẫn cho người làm đầu mối cung cấp thông tin và công dân:
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp biên soạn, biên tập, phát hành Sổ tay phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Tiếp cận thông tin cho người làm đầu mối cung cấp thông tin và công dân;
- Cơ quan phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2018.
3. Rà soát, kiện toàn, bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin
Rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp bố trí bộ phận hoặc cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, trình độ làm đầu mối cung cấp thông tin; ưu tiên bố trí những người có kinh nghiệm làm công tác pháp luật, tin học; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.
a) Cơ quan chủ trì: Sở, ban ngành thành phố; Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan, đơn vị có liên quan;
b) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ;
c) Thời gian thực hiện: Năm 2017; Quý I năm 2018.
4. Tổ chức tập huấn chuyên sâu Luật Tiếp cận thông tin
a) Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Tiếp cận thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối cung cấp thông tin;
b) Thời gian thực hiện: Quý II năm 2018.
5. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của công dân
a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin;
b) Cơ quan phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
c) Thời gian thực hiện: Năm 2017; Quý I năm 2018.
6. Xây dựng Quy chế nội bộ của các cơ quan để thực hiện việc cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin
a) Cơ quan thực hiện: Sở, ban ngành thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị có liên quan;
b) Thời gian thực hiện: Quý I năm 2018.
7. Vận hành Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin
a) Vận hành Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử:
- Cơ quan thực hiện: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Rà soát, phân loại, lập danh mục các thông tin phải được công khai và thông tin không được công khai; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp, không cung cấp; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin do cơ quan mình tạo ra:
- Cơ quan thực hiện: Sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, đơn vị có liên quan; Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp, quy trình bảo vệ thông tin và các hệ thống quản lý thông tin;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
c) Số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để có thể truy cập thông tin từ các hệ thống khác nhau:
- Cơ quan thực hiện: Sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố;
- Thời gian thực hiện:
+ Đối với các thông tin đã được tạo ra trước thời điểm Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực, tiến hành số hóa theo quy định của pháp luật về lưu trữ và lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
+ Đối với các thông tin được tạo ra sau khi Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực, thường xuyên số hóa và ngay sau khi thông tin được tạo ra.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện
Căn cứ Kế hoạch này, sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, chỉ đạo thực hiện đơn vị, địa phương.
2. Sở Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố kết quả triển khai thi hành theo quy định.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Luật Tiếp cận thông tin cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng dự toán kinh phí triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin theo Kế hoạch này.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, phát sinh khó khăn, vướng mắc cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |