QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: /2017/QH14 |
|
DỰ THẢO |
|
LUẬT
ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐẶC BIỆT
------------
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân có liên quan đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
2. Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật này.
Điều 4. Chính sách về phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng của một số khu vực có lợi thế vượt trội nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý tiên tiến; dành nguồn lực ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích lựa chọn, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
4. Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế.
Điều 5. Áp dụng pháp luật, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài có liên quan
1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và Luật khác về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cơ chế, chính sách đặc thù và quản lý nhà nước đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Chương II.
THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
Điều 6. Điều kiện thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thành lập khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Thuộc khu vực có không gian tương đối độc lập và cách biệt với phần lãnh thổ bên ngoài, có ranh giới địa lý xác định;
2. Có quy mô diện tích mặt đất và mặt nước từ 40.000 ha trở lên, thuộc khu vực có lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương hàng hóa và dịch vụ trong nước và quốc tế, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú;
3. Nằm trên các trục hành lang kinh tế liên khu vực và quốc tế và nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia;
4. Có khả năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực dựa trên lợi thế riêng có và so sánh vượt trội; có mục tiêu và định hướng phát triển rõ ràng, phát triển xoay quanh những ngành, lĩnh vực then chốt và tạo tác động lan tỏa cho phát triển các ngành, lĩnh vực khác;
5. Có khả năng phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược (về giao thông, điện, nước, viễn thông và các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí) và khả năng kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi cả về đường bộ, đường biển, đường không;
6. Có khả năng phát triển thành trung tâm tài chính, trung tâm trung chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế về đường bộ, đường biển và đường hàng không;
7. Có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư mang tính động lực, quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, ngành và lĩnh vực theo quy định của Chính phủ;
8. Được cơ quan có thẩm quyền cho phép chủ trương thành lập.
Điều 7. Trình tự và thủ tục quyết định thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Chính phủ xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội.
2. Ủy ban pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Chính phủ trình.
Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trước khi trình Quốc hội.
4. Quốc hội xem xét, quyết định thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo quy trình tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội.
5. Quyết định thành lập gồm các nội dung sau:
a) Tên đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt;
b) Ranh giới, diện tích, quy mô dân số;
c) Cấp chính quyền địa phương trực thuộc trung ương hoặc địa phương;
d) Các đơn vị hành chính trực thuộc;
đ) Cơ chế, chính sách áp dụng;
e) Các quy định khác (nếu có).
Điều 8. Giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Chính phủ trình Quốc hội quyết định giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trình tự, thủ tục xem xét việc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Luật này.
2. Khi quyết định giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Quốc hội quyết định thành lập các đơn vị hành chính trên cơ sở địa giới hành chính, dân cư của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được giải thể.
Điều 9. Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bao gồm các nội dung chủ yếu:
a) Sự cần thiết và căn cứ pháp lý của việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
b) Đề xuất cấp có thẩm quyền mô hình tổ chức chính quyền địa phương trực thuộc trung ương hay địa phương;
c) Ranh giới đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và thể hiện phương án quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên bản đồ quy hoạch;
d) Đánh giá các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội, dân cư, những thuận lợi và khó khăn của khu vực dự kiến xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
đ) Đánh giá và giải trình về khả năng đáp ứng các điều kiện thành lập nêu tại Điều 6 Luật này;
e) Dự kiến mô hình tổ chức, nhiệm vụ và giải pháp phát triển gồm: quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển; mô hình tổ chức và quản lý; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng quy hoạch phát triển các khu chức năng; định hướng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng quy hoạch sử dụng đất; nhiệm vụ và giải pháp phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
g) Đánh giá tính khả thi, hiệu quả, lợi ích, tác động và lộ trình thực hiện gồm: đánh giá tính khả thi, khả năng cạnh tranh; dự kiến hiệu quả, lợi ích, tác động tích cực và tiêu cực; dự kiến tổng mức đầu tư, khả năng thu hút và phương thức thu hút nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; đề xuất lộ trình thực hiện qua các giai đoạn;
h) Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện.
2. Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương theo quy định tại Điều 131 của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Điều 10. Đề án giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Đề án giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bao gồm các nội dung chủ yếu:
a) Lý do và căn cứ pháp lý của việc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
b) Đánh giá tình hình xây dựng và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
c) Dự kiến phương án tổ chức lại và thành lập các đơn vị hành chính trên cơ sở địa giới hành chính, dân cư của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được giải thể;
d) Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện.
2. Đề án giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương theo quy định tại Điều 131 của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Chương III.
QUY HOẠCH, XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
Điều 11. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được lập dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Định hướng phát triển của Đảng, chính sách của Nhà nước;
b) Chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và Vùng;
c) Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Quy hoạch phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được lập và phê duyệt theo trình tự, thủ tục của pháp luật về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 12. Quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được lập dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Quy hoạch phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trong vùng;
c) Các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội, dân cư;
d) Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng quy hoạch phát triển các khu chức năng; định hướng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng quy hoạch sử dụng đất và khả năng thực hiện quy hoạch.
2. Quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được phê duyệt là căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ sự phát triển của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Trình tự, thủ tục lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Điều 13. Phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính quyền địa phương lập quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Điều 14. Quản lý các lĩnh vực trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Quản lý về đất đai.
2. Quản lý về xây dựng.
3. Quản lý về môi trường.
4. Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
5. Quản lý dân cư và lao động.
Chương IV.
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
Điều 15. Hình thức hỗ trợ đầu tư
1. Các hình thức hỗ trợ đầu tư:
a) Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;
b) Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
c) Hỗ trợ tín dụng;
d) Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh;
đ) Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ;
e) Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin;
g) Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
2. Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong từng thời kỳ.
Điều 16. Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được phê duyệt, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu chức năng thuộc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi và áp dụng các phương thức huy động vốn khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Điều 17. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh
Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.
Điều 18. Đối tượng áp dụng chính sách ưu đãi
1. Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư;
b) Dự án đầu tư tại địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại, sản xuất và các hoạt động kinh doanh khác trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Chính sách ưu đãi được áp dụng đối với dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và tổ chức, cá nhân nêu tại điểm c khoản 2 Điều này. Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi được áp dụng theo quy định tại Luật này.
Điều 19. Chính sách ưu đãi thuế
1. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt:
Miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hàng hóa tiêu thụ trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được áp dụng mức thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
2. Thuế thu nhập cá nhân:
Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân sinh sống và làm việc trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đến năm 2030 và sau năm 2030 được giảm 70% số thuế phải nộp.
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp:
a) Đối với các dự án đầu tư vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 30 năm, miễn thuế 15 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 12 năm tiếp theo.
b) Đối với các dự án đầu tư vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 20 năm; miễn thuế 5 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 10 năm tiếp theo.
Điều 20. Chính sách về tài chính, ngân sách
1. Cho phép để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết nhưng không quá 15 năm kể từ khi thành lập.
2. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương về trung ương để tạo nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, ưu tiên trước hết cho hệ thống giao thông kết nối quốc tế và khu vực như sân bay, đường cao tốc, đường nội khu, cảng cho tàu du lịch quốc tế, hệ thống cung cấp điện, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, rác thải và nước thải, hạ tầng y tế và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Điều 21. Chính sách tiền tệ, ngân hàng
1. Cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, thành lập trung tâm tài chính, sở giao dịch chứng khoán, công ty tài chính riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế và tự do hóa luồng vốn.
2. Được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi bên cạnh tiền Đồng Việt Nam là đồng tiền lưu hành chủ yếu.
3. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Điều này.
Điều 22. Chính sách về đất đai
Căn cứ vào ngành, nghề đầu tư và quy mô dự án đầu tư, cho phép áp dụng thời hạn hoạt động dự án và thời gian cho thuê đất tối đa không quá 99 năm; thời gian miễn, giảm tiền thuê thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất ưu đãi hơn quy định của pháp luật về đất đai hiện hành; được áp dụng mức giá thuê đất bằng 30% giá tại huyện có mức thấp nhất tỉnh.
Điều 23. Chính sách tạm trú
1. Được cấp thẻ tạm trú và thẻ công dân Việt Nam đối với cá nhân nhà đầu tư nước ngoài.
2. Miễn thị miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày.
Điều 24. Chính sách về di chuyển phương tiện vận tải và thể nhân
Quy định cụ thể để thực hiện chính sách bầu trời mở và bảo đảm việc di chuyển phương tiện vận tải, di chuyển thể nhân thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ du lịch, đầu tư, kinh doanh, xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, làm việc, tham quan của người nước ngoài và người Việt Nam tại đặc khu kinh tế.
Điều 25. Các chính sách khác
1. Cho phép thành lập quỹ nghiên cứu phát triển, quỹ phát triển đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt và tự chủ, ký hợp đồng làm việc với công chức, thuê chuyên gia nước ngoài; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; được phép chỉ định thầu các công trình kết cấu hạ tầng.
2. Được phép kinh doanh casino theo quy định sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương.
3. Cho phép thuê tư vấn quốc tế xây dựng thể chế và lập quy hoạch tổng thể để tìm kiếm, đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
4. Trong trường hợp, các nhà đầu tư chiến lược có đề xuất về cơ chế, chính sách khác với các quy định tại Luật này, Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng.
Chương V.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNGTẠI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
Điều 26. Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Các chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có:
a) Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc trung ương;
b) Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
3. Hội đồng nhân dân được tổ chức phù hợp để thực hiện chức năng cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương đối với hoạt động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hội đồng nhân dân được tổ chức 2 cấp gồm Hội đồng nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Hội đồng nhân dân các phường.
4. Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và dịch vụ công tại địa bàn. Ủy ban nhân dân được tổ chức 2 cấp gồm Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Ủy ban nhân dân các phường.
Điều 27. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Quy định rõ trong những quyền, thẩm quyền hiện thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn cấp Tỉnh được giao cho chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và người đứng đầu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Điều 28. Chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Điều 29. Cơ chế giám sát hoạt động của của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Điều 30. Cơ chế tài chính và ngân sách hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Điều 31. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức
1. Các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.
2. Cơ quan tư pháp (viện kiểm sát nhân dân, toàn án nhân dân).
3. Các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc như: các cơ quan quốc phòng, an ninh, thuế, hải quan, ngân hàng đóng trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chương VI.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
Điều 32. Nội dung quản lý nhà nước đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Tổ chức và thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước, dịch vụ công và dịch vụ hỗ trợ có liên quan đến nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
4. Tổ chức tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
5. Hướng dẫn, hỗ trợ; đánh giá hiệu quả; kiểm tra, thanh tra, giám sát; giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Điều 33. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Quốc hội.
2. Chính phủ.
3. Thủ tướng Chính phủ.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
5. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương VII.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 34. Điều khoản chuyển tiếp
Dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và đang trong thời gian được hưởng ưu đãi đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Luật này cho thời gian còn lại của dự án.
Điều 35. Mở rộng chính sách ưu đãi và điều chỉnh mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng mở rộng chính sách ưu đãi và điều chỉnh mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương khác với quy định trong Luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Điều 36. Hiệu lực thi hành
Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu lực từ ngày tháng năm 201...
Điều 37. Quy định chi tiết
Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật này đã được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ … thông qua ngày tháng năm 201...
Dự thảo là văn bản chưa hoàn chỉnh thống nhất, cần lấy ý kiến đóng góp, quý độc giả đóng góp và gửi ý kiến truy cập tại: duthaoonline.quochoi.vn