Đối tượng và mức bảo hiểm được hỗ trợ dành cho cá nhân sản xuất nông nghiệp

14:17 - 30/05/2018 Tin pháp luật
Đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Nghị định 58/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18/04/2018 quy định về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) có nếu rõ các đối tượng được bảo hiểm và mức bảo hiểm tối đa dành cho cá nhân sản xuất nông nghiệp.

 hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: Tạp chí Tài chính.

Cụ thể, đối tượng được bảo hiểm là:

- Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, Điều, cà phê, cây ăn quả, rau.

-  Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm.

-  Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Và  mức hỗ trợ tối đa như sau:

-  Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

-  Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

-  Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Trích dẫn Nghị định 58/2018/NĐ-CP:

Điều 20. Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ
1. Rủi ro thiên tai, bao gồm:
Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Rủi ro dịch bệnh, bao gồm:
a) Dịch bệnh động vật:
- Dịch bệnh động vật trên cạn: Các bệnh truyền nhiễm của động vật trên cạn theo danh Mục bệnh động vật phải công bố dịch (bao gồm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa người và động vật) do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y.
- Dịch bệnh động vật thủy sản: Các bệnh của động vật thủy sản theo danh Mục bệnh phải công bố dịch do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y.
b) Dịch hại thực vật: Sinh vật gây hại thực vật có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây hại nghiêm trọng đối với thực vật theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghị định 58/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 05/6/2018.

Chia sẻ