Độ xe bị phạt như thế nào: Quy định và Mức phạt chi tiết
1. Quy định của pháp luật về độ xe: Thế nào là độ xe, độ xe có trái pháp luật không?
Độ xe là hoạt động thay đổi và cải tiến các thành phần trên xe để tăng hiệu suất và thẩm mỹ.
Dựa trên khoản 2 điều 55 Luật giao thông đường bộ 2008
Điều 55. Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Có thể thấy pháp luật Việt nam cấm việc thay đổi kết cấu, tổng hành, hệ thống xe mà không được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Như vậy việc độ xe bao gồm việc sửa đổi cấu hình, máy móc, hình dáng, kích thước và đặc tính của xe là không được cho phép theo quy định tại Việt Nam. Cá nhân hoặc tổ chức sở hữu phương tiện phải tuân thủ quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt nếu tự ý thay đổi các yếu tố này.
2. Xử phạt hành vi độ xe
Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Đối với cá nhân và tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy, và các loại xe tương tự
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân.
- Phạt tiền từ 1 triệu 600.000 đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức
Mức phạt được áp dụng với các hành vi sau: Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông, tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Đối với cá nhân và tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, và các loại xe tương tự:
- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân.
- Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức
Mức phạt được áp dụng với các hành vi sau: tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông.
Đối với cá nhân và tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, và các loại xe tương tự:
- Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với cá nhân.
- Phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với tổ chức
Mức phạt được áp dụng với các hành vi sau đây: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
3. Cách độ xe không vi phạm pháp luật
Do pháp luật cấm các hành vi độ xe với mục đích thay đổi kết cấu, để tránh bị phạt khi độ xe, chủ xe cần tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện. Thay đổi nên tập trung vào tăng tính thẩm mỹ mà không làm ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng của xe. Ví dụ cho những thay đổi được cho phép có thể là giá gắn điện thoại cho xe máy, camera hành trình, các phụ kiện trong xe ô tô như thảm trải sàn, bình khử mùi hay tấm chống nắng khi xe đang đỗ,... Trong trường hợp những thay đổi có liên quan đến kết cấu được cho phép, sửa chữa xe có thay đổi kết cấu hay khung gầm chủ xe cần phải nhanh trong thực hiện thủ tục đăng ký và tuân thủ đầy đủ quy định của cơ quan quản lý.
Độ xe là hoạt động được quy định nghiêm ngặt bởi pháp luật để đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng phương tiện. Vi phạm các quy định này có thể dẫn đến mức phạt tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Chủ xe cần nắm rõ quy định và tuân thủ để tránh rủi ro pháp lý.