THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2018 |
CHỈ THỊ
về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Thời gian qua, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất liên tiếp xảy ra tại khu vực miền núi, trung du, nhất là ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, nỗ lực trong ứng phó, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, khả năng dự báo, cảnh báo còn hạn chế, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vẫn rất lớn, nhất là về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhân dân và Nhà nước, để lại hậu quả hết sức nặng nề.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường, cực đoan, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là những loại thiên tai đe dọa an toàn tính mạng, đời sống của người dân và sự phát triển bền vững đối với khu vực miền núi và trung du.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra năm 2017 và đầu năm 2018, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở an toàn và ổn định đời sống, sản xuất; sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng. Các trường học khi đầu tư xây dựng lại hoặc xây mới cần được đầu tư kiên cố đảm bảo an toàn trước thiên tai và kết hợp làm nơi sơ tán, trú tránh cho người dân khi xảy ra thiên tai. Tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn. Triển khai các giải pháp cấp bách tiêu thoát nước, giảm tải để giảm nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư trong mùa mưa lũ.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sạt lở, sập hầm lò gây thiệt hại về người tại khu vực khai thác khoáng sản khi mưa lũ. Ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định). Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi buông lỏng quản lý, triển khai không nghiêm túc và tiếp tục để xảy ra vi phạm.
- Chỉ đạo triển khai và chủ động bố trí ngân sách địa phương và quỹ phòng, chống thiên tai để thực hiện-các hoạt động: kiểm tra, có kế hoạch, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tới các thôn, bản có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai tại từng thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu. Kiểm tra, tổ chức xử lý, thanh thải vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn để phòng ngừa nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét khi mưa lớn. Làm tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, chủ động bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông qua bến đò, ngầm tràn, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng huy động khi có yêu cầu.
- Tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều hình thức (hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thanh ở cơ sở, in phát tờ rơi), bằng tiếng phổ thông và tiếng bản địa, bảo đảm thông tin đến được người dân tại các thôn, bản.
- Đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo, rà soát công tác bảo đảm an toàn các đập thủy lợi, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án ứng phó sự cố đập, nhất là các đập vừa, đập nhỏ xung yếu do địa phương quản lý.
- Khẩn trương xây dựng Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tại khu vực miền núi phía Bắc, dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo kế hoạch đã được Chính phủ giao.
- Chỉ đạo chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với đặc thù khí hậu, thiên tai từng vùng, hạn chế rủi ro trong sản xuất cho người dân.
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình thí điểm khu tái định cư chủ động phòng tránh thiên tai,
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, sẵn sàng điều động, chi viện lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, nhất là việc sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
4. Bộ Giao thông vận tải:
- Chỉ đạo các chủ đầu tư và đơn vị có liên quan khi đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phải đảm bảo an toàn, ổn định, thoát nước, không gây cản lũ, hạn chế sạt trượt khi có mưa lũ.
- Chỉ đạo chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ khắc phục sự cố; thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác, bố trí cảnh báo tại các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, đoạn đường bị sạt lở đất, đá, khu vực hay xảy ra lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
- Chỉ đạo công tác đảm bảo giao thông, kịp thời khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá trên các tuyến đường giao thông trong thời gian nhanh nhất; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trong việc phân luồng, phân tuyến để bảo đảm an toàn, hạn chế ách tắc khi mưa lũ.
5. Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; hướng dẫn xây dựng nhà an toàn trước thiên tai, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.
6. Bộ Công Thương:
- Chỉ đạo, rà soát công tác bảo đảm an toàn, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án sẵn sàng ứng phó với sự cố đập thủy điện, nhất là các đập thủy điện do tư nhân quản lý và hệ thống truyền tải điện, hoạt động khai thác khoáng sản.
- Chỉ đạo xây dựng phương án dự trữ, huy động lương thực, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phù hợp với từng khu vực để chủ động đảm bảo nguồn hàng cho vùng bị thiện tại khi có yêu cầu.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng xử lý sự cố đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin cảnh báo thiên tai tới các thuê bao trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai.
- Chỉ đạo đảm bảo hoạt động ổn định mạng thông tin chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai; bố trí đầy đủ phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
- Chỉ đạo rà soát hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thông qua các câu chuyện truyền thanh, tiểu phẩm truyền thanh để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo.
8. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tập trung hoàn thành Đề án điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho các tỉnh miền núi; tổ chức thực hiện việc rà soát phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai đối với các loại thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trước mắt, tập trung thực hiện và chuyển giao cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ làm cơ sở cho việc bố trí, sắp xếp lại dân cư.
- Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo mưa, lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; đầu tư phát triển công nghệ quan trắc, ứng dụng các công nghệ quan trắc, dự báo nhằm nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tới cấp huyện.
9. Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên phối hợp, tổ chức thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng, chống thiên tai, nhất là hệ thống cảnh báo và công trình phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
10. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, trong đó có lũ quét, sạt lở đất vào nhà trường phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo, hướng dẫn đầu tư cơ sở trường học kiên cố đảm bảo an toàn trước thiên tai kết hợp nơi trú tránh của người dân khi ; thiên tai xảy ra.
11. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, chỉ đạo công tác bảo đảm an sinh, xã hội khi xảy ra thiên tai, chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ có nhà đổ, sập, trội và hư hỏng nặng để kịp thời có phương án trợ giúp nhân dân khắc phục thiên tai, ổn định đời sống.
12. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí các nguồn lực để triển khai các Chương trình, đề án, dự án nhằm chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, địa phương ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án di dời dân cư phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương, các dự án phục vụ công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (như các dự án lắp đặt các trạm quan trắc cảnh báo sớm,...) trong kế hoạch đầu tư trung hạn.
13. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương triển khai các chương trình phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn biện pháp phòng, tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thông qua các phóng sự ngắn, tiểu phẩm, tọa đàm; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình và công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục thiên tai.
14. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. | .
15. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, đôn đốc xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn đối với tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng; kiểm tra việc chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu nạn nhất là tại các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa. Kiểm tra phương án ứng phó, huấn luyện kỹ năng tìm kiếm cứu nạn, tổ chức diễn tập cho lực lượng quân sự tham gia công tác ứng phó thiên tại các cấp, nhất là phương án sẵn sàng ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu.
16. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai:
- Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp bảo đảm hoạt động hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên, gắn với kiểm điểm trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số vị trí có nguy cơ cao theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ; nghiên cứu xây dựng thí điểm công trình phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, xây dựng kế hoạch phòng tránh, phương án sẵn sàng ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; hướng dẫn việc thành lập và tổ chức hoạt động của tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước, nhiệm vụ được giao và các quy định tại Chỉ thị này khẩn trương tổ chức thực hiện, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm giảm thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhất là thiệt hại về người. Giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
các Vụ: TH, NC,CN, KGVX, KTTH; |
KT.THỦ TƯỚNG |
*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.