ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 01 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự báo ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh về dự toán và phân bổ ngân sách địa phương năm 2018; theo đó, dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh giao là 14.655 tỷ đồng, bao gồm: Thu nội địa 13.985 tỷ đồng (tăng 5,7% so dự toán Trung ương giao) và thu thuế xuất, nhập khẩu 670 tỷ đồng. Để hoàn thành và vượt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018, nhằm tạo sự ổn định và chủ động trong điều hành ngân sách, đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện chi cho công tác an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Cục Thuế tỉnh:
- Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy, các giải pháp của Chính phủ và UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; đảm bảo công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan Thuế các cấp; tiếp tục thực hiện tốt công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, luân chuyển hồ sơ về đất đai theo hình thức điện tử...
- Đổi mới hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho người nộp thuế; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo nguồn thu ổn định, bền vững.
- Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng công chức ngay từ đầu năm. Phấn đấu năm 2018 thu vượt ít nhất 5% dự toán HĐND tỉnh giao; tỷ lệ nợ thuế đến cuối năm 2018 đạt dưới 3% tổng số thu ngân sách, trong đó nợ khó thu giảm xuống dưới 30% tổng số nợ thuế. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thuế như: Quản lý bao quát, chặt chẽ người nộp thuế; đôn đốc khai, nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn quy định; Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao; Tăng cường các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, xác định rõ các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, hoạt động còn thất thu. Phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thuế do UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo trong các lĩnh vực: Khai thác tài nguyên, khoáng sản; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh vận tải; hoạt động xây dựng cơ bản;... Tích cực thu hồi các khoản nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nợ thuế của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh… Tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra lĩnh vực xã hội hóa; xây dựng biện pháp quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại một số mặt hàng có khả năng gian lận, trốn thuế thông qua giá bán.
2. Cục Hải quan tỉnh: Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và vượt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đã được HĐND tỉnh được giao; trong đó, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa Cục Hải quan Quảng Ngãi giai đoạn 2016 – 2020; ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
- Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; thường xuyên thu thập thông tin, kịp thời tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm; nhất là các doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao.
- Thực hiện tốt công tác kiểm soát hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tích cực phối hợp với Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh bắt giữ và xử lý hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
3. Các sở, ban ngành: Tích cực phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; cụ thể:
a) Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thúc đẩy cải cách hành chính tại các sở, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ cho công tác trao đổi thông tin liên quan đến quản lý ngành, lĩnh vực và quản lý thuế.
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế; triển khai xác định tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp và thực hiện ghi thu, ghi chi theo đúng quy định.
b) Sở Tài nguyên - Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng phương án và triển khai thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, bảo đảm hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất (600 tỷ đồng) đã được HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao.
- Nghiên cứu, trình UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý dứt điểm các dự án kinh doanh hạ tầng được UBND tỉnh cho tạm khấu trừ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu tiền sử dụng đất, thuê đất; xử lý thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các trường hợp còn nợ thuế, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; xử lý thu hồi đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, bỏ địa chỉ kinh doanh.
- Cung cấp cho cơ quan Thuế sản lượng doanh nghiệp thực tế khai thác của từng mỏ tương ứng với Giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản đã cấp để phối hợp quản lý, giám sát các trường hợp khai thác vượt trữ lượng được cấp phép, kê khai thuế không đúng sản lượng thực tế khai thác theo quy định tại Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của UBND tỉnh.
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện luân chuyển hồ sơ địa chính qua hệ thống điện tử giữa cơ quan Tài nguyên và Môi trường và cơ quan Thuế. Thực hiện luân chuyển kịp thời, chính xác hồ sơ địa chính để cơ quan Thuế xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến các khoản thu từ đất.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Cục Thuế tỉnh kiểm tra chặt chẽ tình trạng doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, sau đó xin thành lập mới doanh nghiệp để trốn thuế nhằm kịp thời có biện pháp xử lý thu hồi nợ thuế.
d) Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi: Chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện khấu trừ đầy đủ, kịp thời số thuế GTGT đối với công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách phát sinh trên địa bàn. Giám sát các ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu thuế hạch toán kịp thời các khoản nộp ngân sách của tổ chức, cá nhân vào ngân sách nhà nước.
đ) Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh: Tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực theo quy hoạch được phê duyệt. Giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư từ khâu đăng ký, triển khai thực hiện, cho đến quá trình hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh. Xác định đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế Dung Quất theo quy định tại Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ.
e) Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi: Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
g) Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế trên phương tiện thông tin đại chúng. Công khai thông tin những doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế nhằm khuyến khích, động viên; đồng thời phản ánh những tổ chức, cá nhân nợ thuế, vi phạm pháp luật về thuế khi có yêu cầu của cơ quan Thuế.
4. UBND các huyện, thành phố:
- Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành thu ngân sách trên địa bàn, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; kịp thời giải quyết những vướng mắc của DN, người nộp thuế. Phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 5% so với dự toán HĐND huyện, thành phố giao.
- Định kỳ tổ chức làm việc với Chi cục Thuế để kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình thu ngân sách để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời; nhất là chỉ đạo thu nợ, cưỡng chế nợ thuế. Chỉ đạo các ngành, chính quyền các địa phương phối hợp với cơ quan Thuế trong công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách; quản lý thu kịp thời các doanh nghiệp vãng lai ngoại tỉnh thi công các dự án trên địa bàn trước khi công trình hoàn thành. Kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
5. Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách tỉnh:
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý nguồn thu và tổ chức việc thu ngân sách nhà nước hiệu quả. Chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng các Quy chế phối hợp giữa các ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.
- Xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Tổ chức làm việc với những doanh nghiệp trọng điểm có số nộp ngân sách lớn, các doanh nghiệp nợ thuế lớn nhằm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng nộp thuế để kịp thời tháo gỡ.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
|
KT. CHỦ TỊCH |