Cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải

08:45 - 21/07/2018 Tin pháp luật
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị 21/CT-TTg 2018 lĩnh vực giao thông vận tải, về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông

chi phí logistics

Ảnh minh họa.

 

Qua đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải:

 

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

 

- Nâng cấp, mở rộng hệ thống công nghệ thông tin trong các lĩnh vực giao thông vận tải để tham gia triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, góp phần tạo thuận lợi thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia;

 

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo thuận lợi cho hoạt động logistics; giảm tối đa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga, sân bay... để giảm thời gian làm thủ tục, thông quan.

 

Nhiệm vụ cho từng lĩnh vực giao thông vận tải:

 

- Đường bộ: Tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, từng bước xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia..; Tăng cường quản lý hiệu quả các dự án, tập trung đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam; xây dựng kế hoạch, lộ trình để đẩy nhanh việc áp dụng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, qua đó tạo sự công khai, minh bạch trong thu phí;

 

- Đường sắt: Triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam; nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt và cải tạo nâng cấp, đồng bộ các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hạ Long; nghiên cứu phương án, lộ trình xây dựng tuyến đường sắt nối với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Xây dựng các ga đầu mối hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại cho các ga đầu mối vận chuyển hàng hóa như Yên Viên, Đông Anh, Sóng Thần ...

 

 

- Đường thuỷ nội địa: Từng bước đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, tiến tới giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn trên các hành lang vận tải thủy chính (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hải Phòng - Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau, vận tải thủy kết nối Cam-pu-chia)...; Kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình kho bãi, trung tâm trung chuyển, phân phối hàng hóa, các cảng đầu mối trong lĩnh vực đường thủy nội địa khu vực Hà Nội, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, bảo đảm kết nối đường bộ với các khu công nghiệp, các đô thị, phục vụ vận tải công-ten-nơ, hàng hoá chuyên dụng. 

 

- Hàng hải: Phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa; tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý cảng biển, hãng tàu biển nước ngoài để thu hút nguồn hàng thông qua Cảng biển Việt Nam;

 

- Hàng không: Sớm hoàn thành, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Chuẩn bị dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Xây dựng, phát triển các trung tâm logistics hàng không gắn liền với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng....

 

Xem nội dung chi tiết tại chỉ thị 21/CT-TTg (có hiệu lực từ ngày 18/7/2018)

 

Chia sẻ