Cách tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất năm 2018
14:54 - 12/09/2018
Tin pháp luật
Theo Luật thuế TNCN do Quốc hội ban hành, cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, kinh doanh được căn cứ theo thu nhập tính thuế, thuế suất và áp dụng theo biểu lũy tiến từng phần.
Thuế thu nhập cá nhân được hiểu là khoản tiền trích từ một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác mà người có thu nhập phải nộp vào ngân sách nhà nước. Vậy những đối tượng nào phải nộp thuế và cách tính thuế TNCN như thế nào?
Hướng dẫn cách tính thuế TNCN mới nhất năm 2018 (Ảnh minh họa)
1. Đối tượng chịu thuế TNCN
Những đối tượng chịu thuế TNCN được quy định tại Điều 2, Luật thuế TNCN do Quốc hội ban hành ngày 21/11/2007:
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Căn cứ tính thuế TNCN
Điều 21, Luật thuế TNCN do Quốc hội ban hành ngày 21/11/2007 quy định:
Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này, trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.
* Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ bao gồm:
Giảm trừ bản thân: 9.000.000 VNĐ/ 1 tháng; 108.000.000 VNĐ / 1 năm.
Giảm trừ người phụ thuộc: 3.600.000 VNĐ/1 người/1 tháng.
Giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc.
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
3. Thuế suất
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) | Thuế TNCN Phải nộp ( Triệu đồng) | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 | 05 | 0 + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 05 đến 10 | 10 | 0.25 + 10% TNTT trên 5 | 10% TNTT – 0.25 |
3 | Trên 10 Đến 18 | 15 | 0.75 + 15% TNTT trên 10 | 15% TNTT – 0.75 |
4 | Trên 18 Đến 32 | 20 | 1.95 + 20% TNTT trên 18 | 20% TNTT – 1.65 |
5 | Trên 32 Đến 52 | 25 | 4.75 + 25% TNTT trên 32 | 25% TNTT – 3.25 |
6 | Trên 52 Đến 80 | 30 | 9.75 + 30% TNTT trên 52 | 30% TNTT – 5.85 |
7 | Trên 80 | 35 | 18.15 + 35% TNTT trên 80 | 35% TNTT – 9.85 |
4. Thời điểm tính thuế TNCN
Theo Khoản 2, Điều 11, Luật thuế TNCN do Quốc hội ban hành ngày 21/11/2007 quy định:
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.
5. Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân
Trường hợp 1: Đối với cá nhân không cư trú
Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế (x) 20%
Trường hợp 2: Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dưới 3 tháng có thu nhập từng lần chi trả dưới 2.000.000 đồng.
Trường hợp này sẽ không phải chịu thuế TNCN
Trường hợp 3: Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dưới 3 tháng có thu nhập từng lần chi trả từ 2.000.000 đồng trở lên.
Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế (x) 10%
Trường hợp 4: Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế (x) Thuế suất
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế (-) Các khoản giảm trừ
Thu nhập chịu thuế = Tổng Thu nhập (-) Các khoản miễn thuế
Chia sẻ