Vi phạm hành chính và cấu thành vi phạm hành chính

15:24 - 18/06/2018 Tin pháp luật
Vi phạm hành chính là hành vi xâm phạm các quy định quản lý nhà nước, có lỗi và phải bị xử lý hành chính. Cấu thành vi phạm hành chính có mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể và chủ thể của vi phạm hành chính.
1. Khái niệm vi phạm hành chính:
Vi phạm hành chính là hành vi xâm phạm các quy định quản lý nhà nước, có lỗi và phải bị xử lý hành chính.
 
2. Cấu thành vi phạm hành chính:
Cấu thành vi phạm hành chính là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng thể hiện đầy đủ tính xâm hại cho trật tự quản lý nhà nước của một loại vi phạm hành chính.
 
- Mặt khách quan của hành vi vi phạm hành chính bao gồm các dấu hiệu sau:
+ Hành vi vi phạm hành chính:
Hành vi vi phạm hành chính là những biểu hiện của con người hoặc tổ chức tác động vào thế giới khách quan dưới những hình thức bên ngoài cụ thể gây tác hại tới sự tồn tại và phát triển bình thường của các trật tự quản lý nhà nước. Những biểu hiện này được kiểm soát và điều khiển bởi ý chí của chủ thể vi phạm hành chính.
+ Hậu quả và mối quan hệ nhân quả;
Hậu quả của vi phạm hành chính là các quy tắc quản lý nhà nước bị hành vi vi phạm hành chính tác động tới, gây xâm hại.
Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hành chính và hậu quả của vi phạm hành chính có mối liên hệ hữu cơ, trong đó hậu quả của vi phạm hành chính có tiền đề xuất hiện của nó là hành vi khách quan của vi phạm hành chính. Việc xác định mối quan hệ nhân quả dựa trên những căn cứ sau:
Một là, hành vi trái pháp luật xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian.
Hai là, hành vi trái pháp luật phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả xâm hại quy  tắc quản lý nhà nước.
Ba là, hậu quả xâm hại đã xảy ra phải chính là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả.
+ Ngoài ra còn có một số dấu hiện khách quan như công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm ... những dấu hiệu này tuy không phổ biến nhưng trong một số trường hợp chúng sẽ trở thành dấu hiệu bắt buộc.
 
- Mặt chủ quan của vi phạm hành chính:
Mặt chủ quan là quan hệ tâm lý bên trong, bao gồm các yếu tố: Lỗi, mục đích, động cơ. Trong đó yếu tố lỗi được coi là một dấu hiệu cơ bản trong cấu thành của mọi vi phạm hành chính, có ý nghĩa quyết định đến các yếu tố khác trong mặt chủ quan của vi phạm hành chính.
+ Lỗi: Là trạng thái tâm lý của người vi phạm, biểu hiện thái độ của người đó đối với hành vi vi phạm hành chính của mình. Lỗi trong Luật hành chính được quy định dưới hai hình thức cố ý và vô ý.
Lỗi cố ý là thái độ tâm lý của một người khi thực hiện hành vi trái pháp luật nhận thức được nghĩa vụ pháp lý bắt buộc nhưng lại có ý thức xem thường mặc dù họ hoàn toàn có khả năng xử sự theo đúng nghĩa vụ đó.
Lỗi vô ý trong vi phạm hành chính là lỗi của một người khi thực hiện hành vi trái pháp luật do vô tình hoặc thiiêú thận trọng mà đã không nhận thức được những nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, mặc dù họ có khả năng và điều kiện xử sự theo đúng nghĩa vụ này.
+ Mục đích:
Mục đích của vi phạm hành chính không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có trong mọi cấu thành của mọi loại vi phạm hành chính. Nó chỉ có ở một số trường hợp vi phạm hành chính nhất định và những trường hợp này đều có hình thức lỗi là cố ý.
+ Động cơ:
Là động lực bên trong thúc đẩy người vi phạm hành chính thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Trừ những vi phạm hành chính với lỗi cố ý có mục đích xác định, phần lớn động cơ trong vi phạm hành chính là không rõ rệt. Nó không được coi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tất cả mọi lọi vi phạm hành chính.
 
- Khách thể của vi phạm hành chính:
 Là các quy tắc quản lý hành chính nhà nước. Khách thể của vi phạm hành chính là yếu tố cơ bản bắt buộc phải có trong mọi cấu thành của vi phạm hành chính. Khách thể của vi phạm hành chính gồm:
+ Khách thể chung: là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước hay nói cách khác là trật tự quản lý nhà nước nói chung.
+ Khách thể loại: là những quan hệ xã hội có cùng hoặc gần tính chhất với nhau trong từng lĩnh vực nhất định của quản lý nhà nước.
+ Khách thể trực tiếp: là quan hệ xã hội cụ thể được pháp luật quy định và bảo vệ bị chính hành vi vi phạm hành chính gây tác hại.
- Chủ thể của vi phạm hành chính:
+ Cá nhân: một cá nhân khi có hành vi vi phạm hành chính sẽ trở thành chủ thể của vi phạm hành chính khi có đủ hai điều kiện: có năng lực trách nhiệm hành chính; đạt độ tuổi nhất định.
+ Tổ chức: Tổ chức là chủ thể đặc biệt của vi phạm hành chính. Trong cấu thành vi phạm hành chính của tổ chức, do không thể xác định được lỗi của nó nên yếu tố chủ quan không có ý nghĩa. Chỉ cần tổ chức đó có biểu hiện xâm hại đến khách thể trong lĩnh vực quản lý nhà nước, trái pháp luật hành chính là xem như đủ cơ sở để coi là chủ thể của vi phạm hành chính.
Chia sẻ