Văn bản áp dụng pháp luật và những vấn đề cơ bản

11:05 - 05/07/2018 Tin pháp luật
Văn bản áp dụng pháp luật do chủ thể có thẩm quyền ban hành theo hình thức và trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Văn bản áp dụng pháp luật theo kết cấu có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Chi tiết xem nội dung bên dưới.
Khái niệm văn bản áp dụng pháp luật là gì?
Theo góc độ lý luận chung về Nhà nước và pháp luật: Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lý cá biệt, mang tính quyền lực do các chủ thể có thẩm quyền (cơ quan nhà nước; nhà chức trách hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền)  ban hành trên cơ sở pháp luật, theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh cá biệt đối với các tổ chức, cá nhân cụ thể trong những trường hợp cụ thể .
Nghiên cứu dưới góc độ xây dựng văn bản pháp luật thì văn bản áp dụng pháp luật được hiểu như sau: Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành theo hình thức và trình tự thủ tục do pháp luật quy định, nhằm cá biệt hóa các quy phạm pháp luật thành những mệnh lệnh cụ thể, áp dụng một lần đối với cá nhân, tổ chức nhất định.
 
Cho ví dụ về văn bản áp dụng pháp luật: 
Ví dụ: Quyết định Số:  510/QĐ-UBND ngày  03  tháng 02 năm 2012 của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện rà soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012 tại thành phố Hồ Chí Minh.
 
Kết cấu văn bản áp dụng pháp luật:
Đối với văn bản áp dụng pháp luật nói riêng văn bản pháp luật nói chung đều có thể xây dựng theo hai hình thức là kết cấu điều khoản hoặc kết cấu nghị luận.
Các loại văn bản áp dụng pháp luật sử dụng kết cấu điều khoản thuờng là : các văn bản áp dụng pháp luật về tổ chức của các cơ quan Nhà nuớc, tổ chức nhân sự như : Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ về việc thành lập…; Quyết định của chủ thể có thẩm quyền về việc bổ nhiệm các chức vụ Nhà nuớc; Quyết định điều động; Quyết định khen thuởng, Quyết định tuyển dụng…Nhưng nhìn chung, khi soạn thảo nội dung văn bản áp dụng pháp luật theo kết cấu điều khoản vẫn phải đáp ứng các nội dung sau: Văn bản giải quyết vấn đề gì; áp dụng đối với đối tuợng nào, các mệnh lệnh cụ thể; thời gian, cách thức thực hiện mệnh lệnh; cơ quan nào ban hành; cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện; Ký sau khi hoàn chỉnh việc soạn thảo cơ quan có thẩm quyền; thông qua văn bản; ký và đóng dấu; gửi các đối tuợng có liên quan.

Văn bản áp dụng pháp luật có ưu, nhược điểm gì?

Hình ảnh minh họa: Họp thẩm định dự thảo (Nguồn: Internet)

Ưu, nhược điểm của văn bản áp dụng pháp luật kết cấu điều khoản: 
Ưu điểm:
Thứ nhất, văn bản áp dụng pháp luật có kết cấu điều khoản trước hết là văn bản áp dụng pháp luật nên mang đầy đủ đặc điểm của văn bản áp dụng pháp luật. Điều đó có nghĩa là văn bản áp dụng pháp luật có kết cấu điều khoản có ưu điểm đầu tiên đó là có nội dung đơn giản, cụ thể và luôn được hình thành dựa trên cơ sở các quy phạm pháp luật. Theo đó, quá trình soạn thảo cũng dễ dàng, đơn giản, không bắt buộc phải thành lập ban soạn thảo, việc soạn thảo được thực hiện đối với cấp dưới trực tiếp của chủ thể ban hành. Ưu điểm này của văn bản áp dụng pháp luật có kết cấu điều khoản giúp cho loại văn bản này được ban hành và soạn thảo một cách nhanh chóng và đảm bảo được yêu cầu kịp thời đối với hoạt động áp dụng pháp luật.

Thứ hai, văn bản áp dụng pháp luật có kết cấu điều khoản được trình bày dưới dạng văn phong điều khoản nên rất cô đọng, xúc tích. Do đó, trong nội dung của loại văn bản này thường chứa đựng tính mệnh lệnh, phục tùng, có giá trị bắt buộc đối với các đối tượng có liên quan phải thực hiện đúng theo ý chí của chủ thể ban hành. Nếu các đối tượng này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng sẽ phải chịu biện pháp cưỡng chế từ Nhà nước.

Thứ ba, văn bản áp dụng pháp luật có kết cấu điều khoản có tính mạch lạc, rõ ràng và có đối tượng được xác định cụ thể giúp cho các đối tượng có liên quan dễ dàng hiểu rõ nội dụng và ý chí của chủ thể ban hành, xác định chính xác quyền và nghĩa vụ của họ được quy định trong nội dung văn bản nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích tốt nhất cho các chủ thể có quyền.

Nhược điểm:

Thứ nhất, văn bản áp dụng pháp luật có kết cầu điều khoản được các chủ thể có thẩm quyền ban hành chỉ được áp dụng thực hiện một lần trong thực tiễn đối với từng trường hợp cụ thể nên không thể đặt ra các quy tắc xử sự chung và không thể áp dụng cho nhiều đối tượng trong nhiều lần nên kéo theo việc mỗi lần cần điểu chỉnh hay quản lý một vấn đề phát sinh trong xã hội thì các chủ thể có thẩm quyền phải soạn thảo và ban hành một văn bản áp dụng pháp luật mới để quản lý và điều chỉnh vấn đề đó.

Thứ hai, văn bản áp dụng có kết cấu điều khoản được trình bày theo văn phong điều khoản nên luôn đặt ra các quy định cấm, cho phép và bắt buộc nên mang tính mệnh lệnh và phục tùng cao vì vậy, việc thể hiện nội dung, đề ra các biện pháp quản lý điều hành cũng như việc thực hiện và áp dụng văn bản trong thực tiễn không có tính mềm dẻo và linh hoạt cao.

 

Chia sẻ