Tử tù hiến tạng có được lấy để ghép cho người sống không?

09:39 - 12/07/2018 Tin pháp luật
Không thể lấy tạng của tử tù hiến tặng để ghép cho người sống. Vì như vậy sẽ làm trái pháp luật do sẽ phải làm trái quy trình thi hành án: lấy tạng trước khi tiêm thuốc.
Ngày 9/7, TAND TP.HCM tuyên bản án tử hình đối với Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) về tội Giết người, 8 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình.
 Tử tù hiến tạng có được lấy để ghép cho người sống không?
Hình ảnh: Tử tù Nguyễn Hữu Tình xin được hiến tạng sau khi thi hành án
 
Trước đó, khi được nói lời sau cùng, tử tù này đã xin được hiến tạng cho y học. "Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản”, Tình nói.
 
Vậy nguyện vọng của Tình cũng như những tử tù khác có được chấp nhận?
 
Bất khả thi
 
GS. TS. Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, cho rằng tử tù hay người phạm trọng tội mong muốn hiến tạng để làm việc thiện thì điều đó rất đáng trân trọng và luật pháp cũng không ngăn cấm điều đó.
 
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
 
Tuy nhiên, giáo sư cho rằng điều này khó thực hiện, nếu không nói là bất khả thi.
 
"Về nguyên tắc, muốn lấy tạng một người ghép cho người còn sống thì cơ quan đó phải còn nguyên vẹn và đảm bảo các yếu tố như tim ngừng đập hoàn toàn và phải thực hiện lấy tạng gấp rút trong vòng 45 phút.
 
Tuy nhiên, với quy định thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc thì các cơ quan cơ thể (tạng phủ) sẽ bị hủy hoại, không phục hồi được.
 
Như vậy, khi thi hành án xong thì không lấy được bộ phận nào của cơ thể có thể tái sinh để ghép cho người được", giáo sư Sinh nói.
 
Lấy tạng để ghép sẽ phạm tội?
 
Giáo sư Trần Ngọc Sinh cho hay để lấy được bộ phận cơ thể của tử tù ghép cho người sống thì phải làm sai quy trình thi hành án, tức là phải lấy trước khi tiêm thuốc. Như vậy thì người thực hiện việc lấy tạng, ghép tạng có thể phạm tội.
 
"Từng có nhiều vụ bị lên án, khó để vượt qua nguyên tắc pháp lý là lấy mô tạng còn tươi, có thể tái sinh; trong khi thi hành án tử thì người đó phải thật sự chết", ông Sinh nói.
 
Giáo sư cũng nêu vấn đề là sẽ có ý kiến cho rằng tại sao lại bỏ sót nguồn tạng từ tử tù, nhưng ông cho rằng không thể vì sự khan hiếm nguồn tạng mà làm điều không thể. Vì thật sự nguồn tạng từ tử tù không nhiều, trong khi hệ lụy lại quá nhiều.
 
Ngoài ra, ông cũng cho biết mặc dù bộ phận cơ thể người không ảnh hưởng gì đến gen ác hay thiện khi cho - nhận, nhưng ở một số nước, người nhận tạng bày tỏ quan điểm từ chối tạng của tử tù.
 
 
Chia sẻ