BỘ TÀI CHÍNH ––---- Số: 288/2016/TT-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ________________ |
|
|
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2016 |
|
|
THÔNG TƯ
Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng
phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; phí thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác
_____________
Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu; Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; phí thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; phí thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác.
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác.
b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác.
c) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; phí thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác.
Điều 2. Người nộp phí
Tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; đề nghị thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Tổ chức thu phí
Cục Nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức thu phí.
Điều 4. Mức thu phí
1. Mức thu phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn như sau:
Số TT |
Độ dài thời gian của một chương trình (vở diễn) biểu diễn nghệ thuật |
Mức thu phí (đồng/chương trình, vở diễn) |
1 |
Đến 50 phút |
1.500.000 |
2 |
Từ 51 đến 100 phút |
2.000.000 |
3 |
Từ 101 đến 150 phút |
3.000.000 |
4 |
Từ 151 đến 200 phút |
3.500.000 |
5 |
Từ 201 phút trở lên |
5.000.000 |
2. Mức thu phí thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác như sau:
a) Chương trình ca múa nhạc, sân khấu ghi trên băng đĩa:
- Đối với bản ghi âm: 200.000 đồng/1 block thứ nhất cộng (+) mức phí tăng thêm là 150.000 đồng cho mỗi block tiếp theo (Một block có độ dài thời gian là 15 phút).
- Đối với bản ghi hình: 300.000 đồng/1 block thứ nhất cộng (+) mức phí tăng thêm là 200.000 đồng cho mỗi block tiếp theo (Một block có độ dài thời gian là 15 phút).
b) Chương trình ghi trên đĩa nén, ổ cứng, phần mềm và các vật liệu khác:
- Đối với bản ghi âm:
+ Ghi dưới hoặc bằng 50 bài hát, bản nhạc: 2.000.000 đồng/chương trình;
+ Ghi trên 50 bài hát, bản nhạc: 2.000.000 đồng/chương trình cộng (+) mức phí tăng thêm là 50.000 đồng/bài hát, bản nhạc. Tổng mức phí không quá 7.000.000 đồng/chương trình.
- Đối với bản ghi hình:
+ Ghi dưới hoặc bằng 50 bài hát, bản nhạc: 2.500.000 đồng/chương trình;
+ Ghi trên 50 bài hát, bản nhạc: 2.500.000 đồng/chương trình cộng (+) mức phí tăng thêm là 75.000 đồng/bài hát, bản nhạc. Tổng mức phí không quá 9.000.000 đồng/chương trình.
3. Chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác; chương trình nghệ thuật biểu diễn sau khi thẩm định không đủ điều kiện cấp giấy phép thì không được hoàn trả số phí thẩm định đã nộp.
Điều 5. Trường hợp miễn phí
Miễn phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn đối với chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại cấp quốc gia.
Chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại cấp quốc gia theo quy định tại Thông tư này bao gồm: các hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhân kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, kỷ niệm ngày quốc khánh các nước tại Việt Nam; tổ chức nhân chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam; kỷ niệm ngày sinh nhật của một số lãnh tụ các nước tại Việt Nam hoặc nhân kỷ niệm sự kiện đặc biệt của nước ngoài được tổ chức tại Việt Nam.
Điều 6. Kê khai, nộp phí
1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.
2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán theo năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ
Điều 7. Quản lý và sử dụng phí
1. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí được để lại 90% tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, thu phí. Số tiền phí được để lại thực hiện quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí.
Số tiền phí còn lại (10%), tổ chức thu phí nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017; thay thế Thông tư số 121/2013/TT-BTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp và dán nhãn kiểm soát băng, đĩa hình có chương trình, phí thẩm định chương trình trên băng đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác; Thông tư số 122/2013/TT-BTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 và Thông tư số 136/2014/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 122/2013/TT-BTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kịch bản phim, phim, chương trình nghệ thuật biểu diễn, lệ phí cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim, cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam.
2. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Kiểm toán nhà nước; - Công báo; - Website Chính phủ; - Uỷ ban nhân dân, Cục Thuế, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Website Bộ Tài chính; - Lưu: VT, Vụ CST (CST 5). |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Vũ Thị Mai |
*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.