BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212/2015/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14/02/2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
--------------------
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường của tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) và chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại các Điều 43, Điều 48 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.
2. Đối với các hoạt động bảo vệ môi trường khác không quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP và các khoản chi phí khác không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 2. Về chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn
1. Chi phí quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; chi phí sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học về bảo vệ môi trường và chi phí thực hiện việc cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo số chi thực tế nếu đáp ứng các điều kiện:
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.
2. Chi phí quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Chi phí tổ chức các cuộc hội thảo khoa học thảo luận về cách thức sản xuất, tính năng, công dụng của các sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, của hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
b) Chi phí nghiên cứu thị trường: thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin về sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, về hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
c) Chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường.
d) Chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường.
đ) Chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại: chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày, giới thiệu.
3. Phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học phổ cập và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững cho cộng đồng đối với những sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam.
b) Phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học phổ biến kiến thức về phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn.
4. Các dụng cụ được cấp miễn phí cho người dân quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: thùng đựng, túi đựng rác; thùng đựng, túi đựng sản phẩm thải bỏ; ủng, bao tay và dụng cụ chuyên dùng khác để phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn.
Trường hợp doanh nghiệp cung cấp miễn phí dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn quy định tại khoản này có phát kèm theo tờ rơi hướng dẫn về phân loại chất thải rắn hữu cơ và chất thải rắn vô cơ cùng với các dụng cụ nêu trên thì chi phí làm tờ rơi được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cung cấp miễn phí dụng cụ cho người dân quy định tại khoản này phải lập bảng kê chi tiết, trong đó ghi rõ họ tên người được cấp, địa chỉ cụ thể; số lượng, giá trị của từng loại dụng cụ; chữ ký của người được cấp; chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp.
Bảng kê cung cấp dụng cụ miễn phí do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc lập bảng kê.
Điều 3. Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới:
a) Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.
b) Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.
c) Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.
d) Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.
đ) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.
e) Dịch vụ hỏa táng, điện táng.
g) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.
h) Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
i) Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.
k) Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.
l) Sản xuất máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.
2. Về mức ưu đãi:
a) Về thuế suất:
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm.
Trường hợp dự án đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể kéo dài thêm nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập từ thực hiện hoạt động xã hội hóa.
Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư.
b) Về miễn, giảm thuế:
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1 Điều này được miễn thuế 04 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.
Năm miễn thuế, giảm thuế xác định phù hợp với kỳ tính thuế. Thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế tính liên tục kể từ kỳ tính thuế đầu tiên doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập chịu thuế (chưa trừ số lỗ các kỳ tính thuế trước chuyển sang).
Trường hợp, trong kỳ tính thuế đầu tiên có thu nhập chịu thuế mà dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế dưới 12 (mười hai) tháng, doanh nghiệp được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mới ngay kỳ tính thuế đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế từ kỳ tính thuế tiếp theo. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thời gian ưu đãi thuế vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.
c) Về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi đối với một số dự án cụ thể:
- Đối với dự án đầu tư mới sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi tính từ năm được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
- Đối với dự án đầu tư mới sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi tính từ năm Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam.
- Đối với dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi tính từ năm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Trường hợp, trong kỳ tính thuế đầu tiên mà các dự án đầu tư mới quy định tại điểm này của doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới 12 (mười hai) tháng, doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng thuế suất ưu đãi ngay kỳ tính thuế đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được áp dụng thuế suất ưu đãi từ kỳ tính thuế tiếp theo. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.
3. Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng dự án đang hoạt động thuộc diện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này, thực hiện xác định tiêu chí hưởng ưu đãi và áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2016.
2. Bãi bỏ Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
3. Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc hoạt động được hưởng ưu đãi thuế quy định tại Thông tư này mà tính đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, vẫn còn đang trong thời gian thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả trường hợp đang được hưởng ưu đãi hoặc chưa được hưởng ưu đãi) theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thì được lựa chọn tiếp tục hưởng ưu đãi thuế theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Thông tư này cho thời gian còn lại.
4. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Thông tư này.
5. Trong quá trình thực hiện trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.