Thế nào là cơ quan hành chính địa phương?

16:43 - 18/06/2018 Tin pháp luật
Là một loại cơ quan của chính quyền địa phương do cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp bầu ra; theo Hiến pháp 1992, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định làm nhiều loại. Thông tin chi tiết tham khảo nội dung bài bên dưới.
Cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là một loại cơ quan của chính quyền địa phương do cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp bầu ra; vừa là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp vừa phục tùng cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, có chức năng cơ bản là quản lý hành chính nhà nước trong phạm vi địa phương.
 
Theo Hiến pháp năm 1992:
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
- Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
- Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
- Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở các đơn vị hành chính do luật định.
 
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách; về quốc phòng, an ninh ở địa phương; về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước.
 
Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Uỷ ban nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân lãnh đạo, điều hành hoạt động của Uỷ ban nhân dân.
Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân và các văn bản sai trái của Uỷ ban nhân dân cấp dưới; đình chỉ thi hành nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình bãi bỏ những nghị quyết đó.
 
Về tổ chức:
UBND do Hội đồng nhân dân bầu ra gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch và Uỷ viên. Chủ tịch UBND là đại biểu HĐND. Các thành viên khác không nhất thiết là đại biểu HĐND.
 
Số lượng thành viên UBND mỗi cấp được quy định:
- UBND cấp tỉnh có từ chín đến mười một thành viên; UBND thành phố Hà Nội và thành phố HCM có không quá mười ba uỷ viên.
- UBND cấp huyện có từ bảy đến chín thành viên.
- UBND cấp xã có từ năm đến bảy thành viên.
 
UBND mỗi tháng họp ít nhất một lần. UBND thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề sau:
- Chương trình làm việc của UBND.
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách hàng năm và quỹ dự trữ của địa phương trình HĐND.
- Các biện pháp thực hiện nghị quyết của HĐND về kinh tế - xã hội, thông qua báo cáo của UBND trước HĐND.
- Đề án thành lập mới, sát nhập, giải thể các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và việc phân vạch địa giới đơn vị hành chính ở địa phương.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND:
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp mình, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghgiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên.
Chia sẻ