Sinh con gái được Nhà nước hỗ trợ trong trường hợp nào?

11:08 - 08/08/2018 Tin pháp luật
Từ tháng 7/2016 nhà nước sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con gái một bề thuộc một trong bốn trường hợp quy định tại Quyết định 468/QĐ-TTg.
Theo công bố của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đang rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 112,2 bé trai/100 bé gái, thậm chí có những tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh… tỷ lệ này rơi vào khoảng 120 bé trai/100 bé gái.
 
Sự mất cân bằng trong “cán cân” giới tính khi sinh ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn đến dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không được can thiệp kịp thời, dự kiến đến năm 2050, Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu nam giới “ế” vợ…
 
Để góp phần kiểm soát tình trạng nêu trên, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ sinh con gái một bề. Trong đó, sinh con gái gái một hay sinh con một bề gái được hiểu là trường hợp vợ chồng sinh từ 02 con trở lên mà đều là con gái, không có con trai.
Sinh con gái được Nhà nước hỗ trợ trong trường hợp nào
Hình ảnh minh họa: Sinh con gái được Nhà nước hỗ trợ trong trường hợp nào
 
Ngày 23/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 468/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016 – 2025.
 
Theo đó, sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc các trường hợp sau đây:
 
- Hộ nghèo, cận nghèo.
 
- Đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
 
- Người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo.
 
- Sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.
 
Đồng thời, Quyết định 468/QĐ-TTg đề cập đến các nội dung khuyến khích, hỗ trợ khác như sau:
 
- Xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
 
- Xây dựng các chuẩn mực, giá trị xã hội phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả bình đẳng giới, loại trừ dần nguyên nhân sâu xa của hiện tượng lựa chọn giới tính khi sinh.
Chia sẻ