CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/2018/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2015/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT HẢI QUAN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT HẢI QUAN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06 tháng 4 năm 2016;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
1. Bổ sung khoản 6, khoản 7 Điều 3 như sau:
“6. “Kiểm tra chuyên ngành” là việc cơ quan kiểm tra chuyên ngành căn cứ các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hàng hóa do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành hoặc tiêu chuẩn quốc tế hoặc các quy định pháp luật có liên quan để kiểm tra, xác định hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành về văn hóa thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành văn hóa.
7. “Cổng thông tin một cửa quốc gia” là một hệ thống thông tin tích hợp để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 4 như sau:
“1. Địa điểm làm thủ tục hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật hải quan.
Thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh bao gồm hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tại khoản 2 Điều này được làm thủ tục hải quan tại Chi cục quản lý địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh.
Đối với hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, địa điểm làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, địa điểm làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế, mạng bưu chính công cộng cung ứng dịch vụ quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan công nhận kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập kết để làm thủ tục hải quan. Điều kiện, trình tự thủ tục công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung như quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 5 như sau:
“3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế.
4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa”
4. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan
1. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, sản phẩm văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;
b) Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
2. Đối tượng chịu sự kiểm tra hải quan:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
c) Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng chịu sự giám sát hải quan:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
c) Hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân;
d) Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan;
đ) Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 7 như sau:
“1. Người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của Luật hải quan, pháp luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn.
3. Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Người khai hải quan không phải nộp, xuất trình chứng từ giấy đối với các chứng từ đã được tiếp nhận, xử lý thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trừ các chứng từ phải nộp bản giấy theo quy định của pháp luật”.
6. Bổ sung khoản 4 Điều 9 như sau:
“4. Được miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật hải quan”.
7. Bổ sung khoản 5 Điều 11 như sau:
“5. Địa điểm nộp hồ sơ: Tổng cục Hải quan”.
8. Sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 1a và sửa đổi khoản 2 Điều 20 như sau:
“1. Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế, được xác định theo trình tự các phương pháp sau:
a) Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất bao gồm giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu phù hợp với chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa;
b) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;
c) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;
d) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất.
1a. Cửa khẩu xuất được xác định như sau:
a) Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu xuất là cảng xếp hàng, nơi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải ghi trên tờ khai hải quan.
b) Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu xuất là địa điểm xếp hàng tại cửa khẩu đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan.
c) Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu xuất là cửa khẩu biên giới nơi xuất khẩu hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các chứng từ khác có liên quan.
2. Trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên trên cơ sở áp dụng Hiệp định chung về thuế quan và thương mại hoặc theo các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết. Cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định như sau:
a) Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu nhập đầu tiên là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn;
b) Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu nhập đầu tiên là ga đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan;
c) Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam ghi trên tờ khai hải quan”
9. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 21. Kiểm tra, xác định trị giá hải quan
1. Việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan căn cứ trên hồ sơ hải quan, các chứng từ tài liệu có liên quan, thực tế hàng hóa.
2. Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo, đề nghị người khai hải quan thực hiện khai bổ sung trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo và giải phóng hàng theo quy định. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
3. Trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định, người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo.
a) Trường hợp người khai hải quan đồng ý với mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định thì thực hiện khai bổ sung theo quy định trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày đến cơ quan hải quan thực hiện tham vấn, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Trường hợp người khai hải quan không khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
b) Trường hợp bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan đề nghị người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
c) Trường hợp chưa đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo trị giá khai báo.
4. Trường hợp không thuộc khoản 2, khoản 3 Điều này, cơ quan hải quan chấp nhận trị giá khai báo để thông quan hàng hóa theo quy định.
5. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định trị giá tính thuế là tỷ giá ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề hoặc là tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ. Tỷ giá này được sử dụng để xác định tỷ giá tính thuế cho các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần.
Đối với các ngoại tệ không được Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tỷ giá thì xác định theo tỷ giá tính chéo giữa đồng Việt Nam với một số ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Đối với các ngoại tệ chưa được công bố tỷ giá tính chéo thì xác định theo nguyên tắc tính chéo giữa tỷ giá đô la Mỹ (USD) với đồng Việt Nam và tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với các ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là tỷ giá được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.”
10. Bổ sung Điều 22a như sau:
“Điều 22a. Trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
1. Trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan Hải quan xây dựng trên cơ sở thông tin khai hải quan và các nguồn thông tin liên quan khác.
2. Trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê được xây dựng theo nguyên tắc và phương pháp quy định tại Điều 20 Nghị định này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Đối với các trường hợp sau, trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê dựa trên cơ sở khai báo của người khai hải quan theo nguyên tắc:
a) Hàng hóa sau khi thuê gia công ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam: là trị giá hàng hóa tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên (theo điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương). Trường hợp không xác định được trị giá theo điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương thì khai trị giá hải quan là toàn bộ trị giá cấu thành của sản phẩm bao gồm trị giá nguyên vật liệu cấu thành nên sản phẩm, giá gia công sản phẩm và các chi phí khác (nếu có);
b) Hàng hóa xuất khẩu là sản phẩm gia công cho nước ngoài: là trị giá hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất (theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương). Trường hợp không xác định được trị giá theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương thì khai trị giá hải quan là toàn bộ trị giá cấu thành của sản phẩm bao gồm trị giá nguyên vật liệu cấu thành nên sản phẩm, giá gia công sản phẩm và các chi phí khác (nếu có);
c) Hàng hóa theo hợp đồng thuê tài chính: là toàn bộ trị giá của hàng hóa, loại trừ các dịch vụ cung cấp kèm theo hợp đồng thuê tài chính.
4. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thu thập, xử lý, sử dụng và lưu trữ thông tin về trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3, khoản 7 Điều 24 như sau:
“2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan:
a) Nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn ít nhất 60 ngày trước khi xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng;
b) Tham gia đối thoại với cơ quan hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan theo đề nghị của cơ quan hải quan;
c) Thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hóa đã đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày, tháng, năm có sự thay đổi.
3. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Tổng cục Hải quan có văn bản từ chối xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan gửi tổ chức, cá nhân đối với trường hợp không đủ điều kiện, hồ sơ xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan hoặc hàng hóa nêu tại đơn đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá đang chờ kết quả xử lý của cơ quan quản lý nhà nước hoặc hàng hóa nêu tại đơn đề nghị xác định trước mã số đã có văn bản hướng dẫn về mã số của cơ quan quản lý nhà nước;
b) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ (đối với trường hợp thông thường) hoặc 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (đối với trường hợp phức tạp cần xác minh, làm rõ). Văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan được gửi cho tổ chức, cá nhân, đồng thời cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan và công khai trên trang điện tử của Tổng cục Hải quan.
7. Bộ Tài chính quy định hồ sơ xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan và các trường hợp đang chờ kết quả xử lý của cơ quan quản lý nhà nước”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 10 Điều 25 như sau:
“2. Các trường hợp sau đây người khai hải quan được lựa chọn khai theo phương thức điện tử hoặc khai trên tờ khai hải quan giấy:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới;
b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vượt định mức miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh;
c) Hàng cứu trợ khẩn cấp, hàng viện trợ nhân đạo; hàng xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ an ninh quốc phòng;
d) Hàng quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển của cá nhân;
đ) Hàng hóa là phương tiện chứa hàng hóa quay vòng theo phương thức tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 49 Nghị định này;
e) Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định trong trường hợp mang theo khách xuất cảnh, nhập cảnh;
g) Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, hệ thống khai hải quan điện tử không thực hiện được các giao dịch điện tử với nhau mà nguyên nhân có thể do một hoặc cả hai hệ thống hoặc do nguyên nhân khác.
Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử, cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử hải quan chậm nhất 01 giờ kể từ thời điểm không thực hiện được các giao dịch điện tử;
Trường hợp hệ thống khai hải quan điện tử của người khai hải quan không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan có văn bản thông báo cho Chi cục hải quan nơi dự kiến làm thủ tục hải quan, trong đó nêu rõ tên và nguyên nhân sự cố, thời hạn dự kiến khắc phục sự cố và phương thức thực hiện thủ tục khai hải quan trong thời gian hệ thống khai hải quan điện tử của người khai hải quan gặp sự cố theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
h) Hàng hóa khác theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, trung thực, rõ ràng các tiêu chí trên tờ khai hải quan, tự tính để xác định số thuế, các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai.
Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thì phải có giấy phép trước khi đăng ký tờ khai hải quan và phải khai đầy đủ thông tin giấy phép trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Khi kiểm tra hồ sơ cơ quan hải quan đủ cơ sở xác định hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép tại thời điểm đăng ký tờ khai thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tờ khai hải quan đã đăng ký không có giá trị thực hiện thủ tục hải quan.
5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
10. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc khai bổ sung, hủy tờ khai hải quan, đăng ký tờ khai hải quan một lần; khai tờ khai hải quan mới đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa và xử lý trong trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc hệ thống khai hải quan điện tử gặp sự cố.”
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 26 như sau:
“4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ tiêu chí phân loại mức độ rủi ro do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định để quyết định kiểm tra hải quan và thông báo trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo một trong những hình thức dưới đây:
a) Chấp nhận thông tin khai Tờ khai hải quan để quyết định thông quan hàng hóa;
b) Kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên cổng thông tin một cửa quốc gia để quyết định việc thông quan hàng hóa hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa để quyết định thông quan.
Bộ Tài chính quy định cụ thể thời điểm thông báo việc kiểm tra hải quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.”
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 29 như sau:
“5. Trường hợp bằng các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số, chủng loại, chất lượng, khối lượng, trọng lượng thì yêu cầu cơ quan kiểm định hải quan thực hiện việc phân tích phân loại hoặc giám định để xác định các nội dung trên.
Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan thì cơ quan hải quan trưng cầu giám định của tổ chức giám định theo quy định của pháp luật và căn cứ kết quả giám định để quyết định việc thông quan hàng hóa.”
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 32 như sau:
“1. Giải phóng hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật hải quan. Các trường hợp được giải phóng hàng bao gồm:
a) Phải thực hiện việc phân tích, phân loại hoặc giám định để xác định mã số hàng hóa, số lượng, trọng lượng, khối lượng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan;
b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở giá do người khai hải quan tạm tính;
c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định này và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan;
d) Người khai hải quan chưa có đủ thông tin, tài liệu để xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì được giải phóng hàng hóa nếu được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định.
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 33 như sau:
“1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc đối tượng phải kiểm dịch thì phải thực hiện việc kiểm dịch tại cửa khẩu trước khi hoàn thành thủ tục hải quan trừ trường hợp pháp luật về kiểm dịch cho phép đưa hàng hóa về các địa điểm để kiểm dịch trong nội địa. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc đối tượng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thì cơ quan hải quan căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành để thực hiện việc kiểm tra theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan hải quan căn cứ vào kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoặc căn cứ vào chứng từ khác theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để quyết định việc thông quan theo quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.
Các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện kiểm tra đồng thời đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu hoặc các địa điểm kiểm tra hàng hóa, trừ trường hợp vì yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn phải đưa về các địa điểm kiểm tra chuyên ngành.
Cơ quan hải quan chủ trì, điều phối hoạt động kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện theo Quy chế hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. Phối hợp lấy mẫu, kiểm tra chuyên ngành:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, việc lấy mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.
b) Cơ quan kiểm tra chuyên ngành trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại địa điểm do người khai hải quan thông báo; trường hợp lấy mẫu trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan thực hiện giám sát việc lấy mẫu trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro;
c) Trước khi lấy mẫu, người khai hải quan phải thông báo cho cơ quan hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành thời gian, địa điểm lấy mẫu.
Việc thông báo được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia khi đăng ký kiểm tra chuyên ngành hoặc thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Người khai hải quan phải xuất trình hàng hóa để cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoặc cơ quan hải quan thực hiện việc lấy mẫu;
d) Khi lấy mẫu phải có đại diện của người khai hải quan. Mẫu phải được niêm phong và lập Biên bản chứng nhận việc lấy mẫu có xác nhận của người khai hải quan và cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành;
đ) Trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày cấp giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành hoặc ngày lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành trừ trường hợp pháp luật về kiểm tra chuyên ngành có quy định khác, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành có thẩm quyền phải có kết luận kiểm tra và gửi cơ quan hải quan theo quy định tại Điều 35 Luật hải quan hoặc gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia trong trường hợp cơ quan kiểm tra có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan quyết định việc thông quan hàng hóa. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành chưa có kết luận kiểm tra chuyên ngành thì phải có văn bản nêu rõ lý do và ngày ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan hải quan.”
17. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 39 như sau:
“1. Các trường hợp kiểm tra:
a) Tổ chức, cá nhân lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu;
b) Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ, ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan hải quan;
c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công lại toàn bộ hợp đồng gia công;
d) Khi phát hiện dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân lưu giữ nguyên liệu vật tư, linh kiện nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu ngoài các địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan;
đ) Các trường hợp khác kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
3. Xử lý kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất:
a) Trường hợp không có cơ sở gia công, sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải nộp đủ các loại thuế, tiền chậm nộp kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đến ngày thực nộp thuế và bị xử phạt vi phạm theo quy định đối với số lượng nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu không được ưu đãi thuế theo quy định;
b) Trường hợp có đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị vượt quá năng lực sản xuất hoặc thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc nhập khẩu nguyên liệu vật tư, máy móc, thiết bị không phù hợp với ngành nghề sản xuất đã thông báo với cơ quan hải quan thì cho phép tổ chức, cá nhân được giải trình, chứng minh; trường hợp tổ chức, cá nhân không giải trình hoặc giải trình, chứng minh không hợp lý thì xử lý theo quy định và thực hiện kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành.”
18. Sửa đổi khoản 1 Điều 40 như sau:
“1. Các trường hợp kiểm tra:
a) Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng có dấu hiệu rủi ro đã nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư mà quá chu kỳ nhưng không có sản phẩm xuất khẩu;
b) Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị hoặc xuất khẩu sản phẩm tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất;
c) Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân bán nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm vào nội địa nhưng không khai hải quan;
d) Khi phát hiện tổ chức, cá nhân kê khai sản phẩm xuất khẩu không đúng quy định và không đúng thực tế;
Đối với các trường hợp nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, tổ chức cá nhân có văn bản giải trình theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân không có giải trình hoặc cơ quan hải quan có căn cứ giải trình của tổ chức, cá nhân là không hợp lý”.
19. Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 43. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh
1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng nhập khẩu, xuất khẩu, đóng chung với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quy định tại khoản 9 Điều này.
Hàng hóa quá cảnh theo các Hiệp định đa phương về quá cảnh hàng hóa được Việt Nam ký kết tham gia, thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
2. Hồ sơ hải quan:
a) Tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai vận chuyển theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Bản kê chi tiết hàng hóa quá cảnh theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
c) Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ đóng chung với hàng nhập khẩu: 01 bản chụp;
d) Giấy phép quá cảnh theo quy định của pháp luật; giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
3. Trách nhiệm của người khai hải quan:
a) Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này;
b) Vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, cửa khẩu, thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 65 Luật hải quan;
c) Đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, đảm bảo niêm phong hải quan, đảm bảo nguyên niêm phong của hãng vận chuyển;
d) Trong trường hợp hàng hóa quá cảnh có thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container, người khai hải quan gửi Chi cục hải quan nơi quản lý địa điểm thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container 01 bản chính văn bản đề nghị theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp được chấp nhận, thực hiện khai hải quan trên từng tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ vận chuyển theo từng chặng vận chuyển, từng loại hình tương ứng;
đ) Xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
4. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:
a) Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Thực hiện niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa hàng quá cảnh trong trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ;
c) Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt thực hiện niêm phong hải quan trong trường hợp không còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển.
Trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa vào Việt Nam không thể kiểm tra tình trạng niêm phong của hãng vận chuyển và không thực hiện được việc niêm phong hải quan, giao người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa.
d) Đối với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy nội địa ngoài việc thực hiện quy định tại điểm b, điểm c khoản này, thực hiện giám sát hàng hóa quá cảnh bằng phương tiện kỹ thuật quy định tại điểm a khoản 7 Điều này;
đ) Bố trí công chức hải quan giám sát trực tiếp hàng hóa quá cảnh tại điểm c khoản 7 Điều này;
g) Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
5. Trách nhiệm của Chi cục hải quan nơi quản lý địa điểm hàng quá cảnh thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container
a) Tiếp nhận văn bản đề nghị theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều này và kiểm tra các điều kiện quy định tại khoản 9 Điều này. Trường hợp không đủ điều kiện quy định, có văn bản thông báo việc không chấp nhận, nêu rõ lý do;
Trường hợp đủ điều kiện quy định, phê duyệt văn bản đề nghị; trả lại 01 bản chính cho người khai hải quan, lưu 01 bản sao;
b) Kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan, niêm phong hãng vận chuyển;
c) Giám sát hoạt động chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container và thực hiện niêm phong hải quan;
d) Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển theo từng loại hình tương ứng.
6. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:
a) Kiểm tra các thông tin về tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
b) Kiểm tra tình trạng niêm phong hoặc nguyên trạng hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy nội địa ra nước ngoài, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất căn cứ thông tin về lộ trình, thời gian vận chuyển, các cảnh báo (nếu có) để quyết định việc kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển;
c) Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
7. Giám sát hải quan
a) Hàng hóa quá cảnh phải được niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển. Trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được thì giao người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa.
Đối với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường bộ, ngoài niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển, hoặc hàng hóa quá cảnh không thể niêm phong, cơ quan hải quan sử dụng các phương tiện kỹ thuật khác để giám sát hàng hóa trong quá trình vận chuyển trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá rủi ro;
b) Hàng hóa quá cảnh thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt phải được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật;
c) Hàng hóa quá cảnh là vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và hàng hóa có độ nguy hiểm cao phải được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hoặc được giám sát trực tiếp bằng công chức hải quan.
8. Trong trường hợp bất khả kháng mà không bảo đảm được nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận chuyển hoặc không vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, thời gian thì người khai hải quan, sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa tổn thất xảy ra phải thông báo ngay với cơ quan hải quan để xử lý; trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp thông báo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển để xác nhận và xử lý theo quy định của pháp luật.
9. Việc chuyển tải, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải; chia tách, đóng chung container, toa xe chở hàng giữa hàng quá cảnh với hàng hóa dự kiến nhập khẩu hoặc với hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, hàng quá cảnh khác để xuất khẩu hoặc hàng quá cảnh đóng chung với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh được thực hiện tại khu vực cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất, kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ (kho CFS), địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu được thành lập trong nội địa (cảng cạn), địa điểm tập kết kiểm tra giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh.
Vị trí kho ngoại quan, kho CFS, cảng cạn, địa điểm tập kết kiểm tra giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh quy định tại khoản này phù hợp với tuyến đường quá cảnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
10. Hàng hóa quá cảnh đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, hàng hóa dự kiến nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh đóng chung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Hàng hóa phải được đóng gói riêng biệt (kiện, thùng, bao bì...) để phân biệt hàng hóa quá cảnh đóng chung với hàng nhập khẩu, xuất khẩu;
b) Hàng hóa quá cảnh không thuộc trường hợp phải có giấy phép quá cảnh theo quy định của pháp luật hoặc không thuộc mặt hàng là rượu, bia, thuốc lá;
c) Hàng hóa dự kiến nhập khẩu khi đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng quá cảnh khi chia tách tại các địa điểm (trừ cửa khẩu nhập) quy định tại khoản 9 Điều này không thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
d) Hàng xuất khẩu khi đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng hóa quá cảnh, hàng hóa xuất khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đóng chung với hàng hóa quá cảnh phải có cùng cửa khẩu xuất với hàng quá cảnh; cửa khẩu xuất phải là cửa khẩu quốc tế theo quy định hiện hành.
e) Container, toa xe chở hàng, phương tiện chứa hàng gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan.
Bộ Tài chính quy định cụ thể Điều này.”