ỦY BÂN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2018/QĐ-UBND |
Cần Thơ, ngày 08 tháng 8 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này quy định hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn, tỷ lệ tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
2. Đối tượng áp dụng:
Các tập thể, cá nhân tham gia phong trào thi đua của thành phố, có thành tích tiêu biểu xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thành phố.
Điều 2. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”
1. Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”:
a) Đối với cấp thành phố: Xét tặng đối với các phòng, ban, đơn vị tương đương thuộc sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp thành phố và tương đương;
b) Đối với quận, huyện: Xét tặng đối với các phòng, ban và tương đương; các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
c) Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Hợp tác xã và các đơn vị trực thuộc như xí nghiệp, phòng, phân xưởng;
d) Đối với đơn vị sự nghiệp: Xét tặng đối với các đơn vị trường học (theo phân cấp quản lý trên địa bàn thành phố), bệnh viện và tương đương; các đơn vị trực thuộc như khoa, phòng.
2. Tỷ lệ công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”: Không quá 60% tổng số phòng, ban, đơn vị trực thuộc cơ quan, đơn vị.
Điều 3. Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố
1. Đối tượng xét tặng Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố:
a) Các tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua theo chuyên đề do Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố phát động được đánh giá, bình xét khi sơ, tổng kết từ 05 năm trở lên;
b) Các tập thể là thành viên trong các cụm, khối thi đua do thành phố tổ chức;
c) Các tập thể là thành viên trong các cụm, khối thi đua do các sở, ban, ngành thành phố và quận, huyện tổ chức theo quy định của thành phố.
2. Việc công nhận là “tập thể tiêu biểu xuất sắc” để được xét tặng “Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố” phải được thông qua bình xét, đánh giá, so sánh và suy tôn tại các cụm, khối thi đua theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.
Điều 4. Khen thưởng chuyên đề
1. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho tập thể, cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Đạt thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phát động;
b) Mỗi ngành, địa phương, đơn vị lựa chọn và đề nghị khen thưởng theo tỷ lệ không quá 10% tập thể, 5% cá nhân (đối tượng trực tiếp tham gia) đối với phong trào thi đua có thời gian từ 03 năm trở lên.
2. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho tập thể, cá nhân tham gia các phong trào thi đua chuyên đề do Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương phát động đảm bảo các điều kiện sau:
a) Có Kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua và Hướng dẫn sơ kết, tổng kết khen thưởng do Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương ban hành;
b) Việc sơ kết, tổng kết được tiến hành sau 03 năm kể từ khi phát động phong trào và được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
c) Số lượng và tiêu chuẩn khen thưởng căn cứ vào quy định của Bộ, ban ngành Trung ương. Trường hợp không quy định số lượng thì được tính theo tỷ lệ 50% quy định điểm b khoản 1 Điều này.
3. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho tập thể, cá nhân đoạt giải cao tại các kỳ thi, hội thi, hội diễn đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Đoạt giải nhất (Huy chương vàng) tại các kỳ thi, hội thi, hội diễn cấp Quốc gia, khu vực;
b) Tập thể, cá nhân đoạt giải nhất, nhì, ba (Huy chương vàng, bạc, đồng) tại các kỳ thi giải Quốc tế, châu Á, Đông Nam Á;
c) Những người trực tiếp bồi dưỡng, huấn luyện học sinh, vận động viên đoạt giải nhất (Huy chương vàng) tại các kỳ thi giải Quốc tế, châu Á, Đông Nam Á;
d) Trong một cuộc thi, hội thi, hội diễn, nếu một cá nhân tham dự và đoạt giải cao ở nhiều nội dung thì chỉ xét tặng 01 Bằng khen cho thành tích cao nhất.
4. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho tập thể, cá nhân tại các kỳ Đại hội (được tổ chức tại thành phố), tổng kết nhiệm kỳ đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tham gia nhiệm kỳ;
b) Tập thể, cá nhân báo cáo tham luận điển hình tiên tiến tại Đại hội; cá nhân trong Ban chấp hành không tham gia nhiệm kỳ khóa mới (thời gian tham gia phải cả nhiệm kỳ).
5. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho công nhân, nông dân, người lao động gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Công nhân có từ 01 sáng kiến trở lên mang lại lợi ích cho doanh nghiệp có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên và có đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề;
b) Nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định từ 02 năm trở lên, giúp đỡ 05 lượt hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho tối thiểu 10 lao động;
c) Lập được thành tích trong lao động, sản xuất, công tác có phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và được Ủy ban nhân dân quận, huyện, cơ quan, đơn vị khen thưởng 02 năm liên tục.
6. Các trường hợp khen đối ngoại (khen người nước ngoài) phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình khen thưởng.
7. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho tập thể, cá nhân và gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp về công sức và tài sản cho địa phương, xã hội có giá trị từ 250 triệu đồng trở lên đối với tập thể, 100 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và gia đình. Riêng các đơn vị tham gia đóng góp tài trợ các công trình, sự kiện lớn của thành phố (Lễ hội, Tết) có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên.
Điều 5. Khen thưởng đột xuất
Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho tập thể, cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
1. Có hành động dũng cảm phòng chống tội phạm, cứu người, bảo vệ tài sản của nhân dân, của Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội có phạm vi ảnh hưởng lớn, có tác dụng nêu gương học tập trong toàn ngành, toàn thành phố được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
2. Có thành tích đạt và vượt các chỉ tiêu (trên 10%) trước thời gian quy định (30 ngày) theo chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm.
3. Có phát minh sáng chế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đem lại hiệu quả được Hội đồng Khoa học cấp thành phố công nhận hoặc Trung ương chứng nhận.
Điều 6. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các sở, ban, ngành thành phố
a) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cơ quan, đơn vị cấp thành phố tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng.
b) Thành phần Hội đồng gồm: Hội đồng từ 09 đến 11 thành viên. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là Chủ tịch Hội đồng; thành viên Hội đồng là đại diện tổ chức đoàn thể, một số lĩnh vực chuyên môn cần thiết của cơ quan, đơn vị và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị.
c) Nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng:
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát động các phong trào thi đua theo thẩm quyền;
- Định kỳ đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng; sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong từng năm và từng giai đoạn;
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng;
- Tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên khen thưởng theo quy định;
- Ban hành quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan, đơn vị.
d) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cơ quan, đơn vị cấp thành phố hoạt động theo quy chế và quy định của pháp luật.
đ) Văn phòng hoặc Phòng Hành chính - Tổng hợp của cơ quan, đơn vị cấp thành phố là thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của cơ quan, đơn vị.
2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận, huyện
a) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận, huyện là cơ quan tham mưu cho Ban thường vụ cấp ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện về công tác thi đua, khen thưởng của địa phương.
b) Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận, huyện: Hội đồng từ 13 đến 15 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các Phó Chủ tịch và thành viên do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận, huyện:
- Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phát động các phong trào thi đua theo thẩm quyền;
- Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong từng năm và từng giai đoạn;
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng;
- Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên khen thưởng.
d) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận, huyện hoạt động theo quy chế và quy định của pháp luật.
đ) Phòng Nội vụ quận, huyện làm nhiệm vụ Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận, huyện.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xã, phường, thị trấn
a) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xã, phường, thị trấn là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về công tác thi đua, khen thưởng của địa phương.
b) Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xã, phường, thị trấn: Hội đồng từ 07 đến 09 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các Phó Chủ tịch và thành viên do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xã, phường, thị trấn:
- Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phát động các phong trào thi đua theo thẩm quyền;
- Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong từng năm và từng giai đoạn;
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng;
- Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên khen thưởng.
d) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xã, phường, thị trấn hoạt động theo quy chế và quy định của pháp luật.
đ) Công chức Văn phòng - Thống kê xã, phường, thị trấn làm nhiệm vụ Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xã, phường, thị trấn.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2018.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |