THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1077/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ HÀ GIANG, TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2035
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 với những nội dung chính sau:
1. Phạm vi, ranh giới nghiên cứu
a) Phạm vi nghiên cứu: Bao gồm thành phố Hà Giang hiện hữu (khoảng 13.392,80 ha) và khu vực dự kiến mở rộng thuộc huyện Vị Xuyên gồm xã Phong Quang (khoảng 3.478,4 ha), thôn Tân Đức (xã Đạo Đức) khoảng 245 ha, thôn Lắp 1 (xã Phú Linh) khoảng 250 ha, thôn Chang (xã Kim Thạch) khoảng 256 ha, thôn Bản Thẳm (xã Kim Thạch) khoảng 304 ha.
b) Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch được giới hạn như sau:
- Phía Bắc: giáp xã Thuận Hòa, Tùng Bá, huyện Vị Xuyên.
- Phía Đông: giáp xã Yên Định, huyện Bắc Mê.
- Phía Tây: giáp xã Phương Tiến, Cao Bồ, Đạo Đức, huyện Vị Xuyên.
- Phía Nam: giáp xã Đạo Đức, Phú Linh, Kim Thạch, huyện Vị Xuyên.
2. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch
a) Quan điểm:
Phát triển đô thị Hà Giang đáp ứng các vai trò, chức năng trong tỉnh Hà Giang, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững. Gìn giữ các giá trị về cảnh quan tự nhiên, văn hóa, kiến trúc truyền thống, phát huy và hấp dẫn các thành phần kinh tế cho đầu tư và phát triển đô thị.
b) Mục tiêu:
- Định hướng phát triển đô thị Hà Giang theo các tiêu chí đô thị loại II, có không gian được mở rộng, khu vực phát triển hiện hữu được nâng cấp cải tạo, đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh khu vực, gìn giữ bản sắc cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, văn hóa truyền thống của đô thị.
- Định hướng phát triển đô thị Hà Giang đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm sử dụng đất đai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và tiện ích đô thị đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và tính chất đặc trưng của đô thị.
- Tạo cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch và thực hiện các bước tiếp theo, hấp dẫn các thành phần kinh tế cho đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
3. Tính chất
- Là Đô thị tỉnh lỵ tỉnh Hà Giang, trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật và chế biến công nghệ cao của tỉnh Hà Giang.
- Là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, thúc đẩy Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Là đô thị loại II trong giai đoạn đến 2030, đô thị xanh với các giá trị về hệ sinh thái, kiến trúc truyền thống, văn hóa bản địa được gìn giữ, phát huy hiệu quả và bền vững.
4. Dự báo quy mô
- Đề xuất các cơ sở khoa học và thực tiễn dự báo quy mô dân số, lao động và đất xây dựng đô thị.
- Quy mô dân số: Hiện trạng (năm 2017) khoảng 71 nghìn người; dự báo quy mô dân số theo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2035. Dự báo dân số, lao động sẽ được nghiên cứu cụ thể trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch.
- Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù của đô thị miền núi phía Bắc, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên môi trường.
5. Các yêu cầu nội dung quy hoạch
a) Phân tích đánh giá thực trạng phát triển
- Phân tích đánh giá những tác động tới thực trạng phát triển đô thị Hà Giang, các yếu tố động lực, thế mạnh phát triển đô thị trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, các yếu tố cần liên kết, chia sẻ để thúc đẩy khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.
- Đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, lao động, hiệu quả sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan đô thị, các giá trị về tự nhiên, văn hóa truyền thống đặc sắc của đô thị Hà Giang.
- Đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, nhà ở, cây xanh công viên đô thị, không gian công cộng, quảng trường, lối đi bộ các khu đô thị hiện hữu và các khu vực dân cư nông thôn các xã.
- Đánh giá hệ thống Hạ tầng kỹ thuật về giao thông, chuẩn bị kỹ thuật (nền xây dựng, thoát nước mưa), cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường. Đặc biệt đánh giá hành lang thoát lũ, khoanh vùng các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, sạt lở đất.
- Rà soát, đánh giá các quy hoạch, dự án đã và đang triển khai theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2007 - 2025. Xác định các vấn đề phù hợp và chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt.
b) Xác định các vấn đề trọng tâm cần giải quyết
Phân tích đánh giá tổng hợp, xác định các vấn đề hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân, ảnh hưởng, những vấn đề thách thức, những vấn đề thuận lợi, cơ hội để phát triển đô thị. Xác định các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch.
c) Xác định các tiền đề, dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng
- Xác định các tiền đề, động lực phát triển để đô thị Hà Giang trở thành trung tâm kinh tế năng động của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao chất lượng đô thị và điều kiện sống của người dân.
- Dự báo quy mô dân số, lao động theo các giai đoạn quy hoạch, phân tích các cơ sở khoa học để đưa ra kết quả dự báo, phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển đô thị đảm bảo phát triển bền vững.
- Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị và xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật phù hợp, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại II, có tính đến các yếu tố đặc thù là đô thị vùng cao miền núi phía Bắc.
d) Định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất
- Xác định các nguyên tắc phát triển không gian đô thị phù hợp với mục tiêu và tính chất chức năng đô thị.
- Xác định cấu trúc phát triển không gian đô thị đảm bảo tối ưu về liên kết vùng, đặc biệt là sự liên kết, hỗ trợ Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác trong tỉnh. Xác định liên kết giữa các khu vực chức năng trong đô thị hiệu quả, phát triển bền vững các tiềm năng thế mạnh của đô thị.
- Xác định các khu vực cảnh quan tự nhiên có giá trị như thảm thực vật phía Đông, phía Tây, hệ sinh thái sông Lô, sông Miện, núi Mỏ Neo, Hàm Hổ..., các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống của đô thị để gìn giữ và phát huy.
- Đề xuất các giải pháp nâng cấp cải tạo các khu vực phát triển hiện hữu, đặc biệt các khu ở dân cư, không gian công cộng, cây xanh công viên và tiện ích đô thị. Định hướng xây dựng các khu chức năng mới đảm bảo khả năng thu hút đầu tư cao.
- Định hướng tổ chức, xây dựng hệ thống trung tâm đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và bền vững, bảo vệ tài nguyên và môi trường trong quá trình phát triển đất đai đô thị.
đ) Thiết kế đô thị
- Phân tích, đánh giá, xác định các đặc trưng kiến trúc cảnh quan, bản sắc đô thị.
- Giải pháp thiết kế đô thị đảm bảo xác định rõ các nội dung cần thực hiện và quản lý đối với từng khu vực theo Thông tư số 06/2013/TT-BXD , ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị.
e) Định hướng hạ tầng kỹ thuật
- Định hướng phát triển giao thông liên kết vùng đảm bảo khả năng giao lưu phát triển với các khu vực khác trong tỉnh Hà Giang, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Định hướng phát triển giao thông đô thị đảm bảo liên kết thuận tiện giữa khu vực phát triển hiện hữu với các khu vực phát triển mới.
- Lựa chọn đất xây dựng, cao độ xây dựng, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật về hệ thống thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, thông tin liên lạc theo tiêu chí đô thị loại II.
g) Đánh giá tác động môi trường chiến lược
Xác định các vấn đề tồn tại, diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch. Đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực đến môi trường.
h) Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư
- Xác định mục tiêu phát triển trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025, đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm tạo động lực phát triển đô thị đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
- Xác định nguồn lực, lộ trình thực hiện quy hoạch đảm bảo tính khả thi.
6. Yêu cầu về hồ sơ sản phẩm
Hồ sơ sản phẩm đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.
7. Tổ chức thực hiện
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan tổ chức lập, thẩm định và trình phê duyệt: Bộ Xây dựng.
- Cơ quan phối hợp và trình thẩm định: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
- Cơ quan lập quy hoạch: Lựa chọn theo quy định của pháp luật.
- Thời gian lập quy hoạch: Không quá 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.
Điều 2. Giao Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các bộ, ngành
- Bộ Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các bộ, ngành chỉ đạo việc khảo sát, lập và thẩm định đồ án quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 đảm bảo chất lượng và tiến độ. Bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí khảo sát, lập quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 và lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang: Phối hợp với Bộ Xây dựng trong quá trình khảo sát, lập và thẩm định đồ án quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 đảm bảo chất lượng và tiến độ.
- Các bộ, ngành: Phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang trong quá trình lập, thẩm định đồ án quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |