ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2008/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 04 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG DỰ ÁN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DÀNH CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2006 của UBND Thành phố Đà Nẵng)
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung ở các mục của Phần 2 Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như sau:
I. VỀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THAM GIA XÉT CHỌN ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC
Những học sinh thuộc các trường trung học phổ thông do thành phố quản lý, trúng tuyển đại học nguyện vọng 1 vào những ngành mà thành phố có nhu cầu, có lý lịch rõ ràng, có đơn tự nguyện tham gia chương trình đào tạo, gia đình và học sinh có cam kết sau khi tốt nghiệp đại học về phục vụ từ 05 (năm) năm hoặc 07 (bảy) năm tại thành phố, nếu đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quy định, được đăng ký dự tuyển đi học đại học bằng ngân sách của thành phố.
II. CÁC HÌNH THỨC ĐÀO TẠO
Đào tạo chính quy tập trung bậc đại học ở các trường đại học trọng điểm trong nước và các trường đại học có uy tín ở những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.
III. VỀ TIÊU CHUẨN XÉT CHỌN ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VÀ MỨC CẤP HỌC BỔNG TOÀN PHẦN, BÁN PHẦN
1. Học bổng toàn phần và tiêu chuẩn xét chọn:
Học bổng toàn phần được xác định là toàn bộ học phí theo quy định của cơ sở đào tạo và phần hỗ trợ sinh hoạt phí được quy định cụ thể theo từng nước, từng vùng lãnh thổ và chi phí đi lại từ nơi ở đến nơi học tập (được tính 01 lần đi, 01 lần về cho cả khóa học). Khoản kinh phí này do thành phố cấp 100% và thực hiện đối với những học sinh có đủ các tiêu chuẩn sau:
a) Học lực đạt loại giỏi, hạnh kiểm đạt loại tốt liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 hệ phổ thông.
b) Thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ loại khá trở lên.
c) Đạt từ giải Nhì cấp thành phố trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa. Môn đạt giải phải nằm trong các môn thi của khối thi đại học nguyện vọng 1. Riêng đối với các học sinh đạt giải Nhì cấp thành phố trở lên về môn Tin học thì không tính môn đạt giải trong các môn thi của khối thi đại học nhưng ngành đăng ký học nguyện vọng 1 phải phù hợp với môn Tin học.
d) Kết quả trúng tuyển vào đại học trong nước nguyện vọng 1 đạt kết quả cao.
Đối với những học sinh đạt giải Ba cấp thành phố trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa thì phải có kết quả thi đỗ đại học nguyện vọng 1 đạt điểm cao.
Mức điểm thi đại học do Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất hàng năm và trình lãnh đạo thành phố xem xét.
e) Có sức khoẻ tốt.
f) Lý lịch bản thân học sinh và gia đình rõ ràng, bản thân học sinh và gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
g) Tích cực tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, văn nghệ, thể thao; có uy tín đối với tập thể.
Những học sinh được cấp học bổng toàn phần phải cam kết về phục vụ thành phố từ 07 (bảy) năm trở lên sau khi tốt nghiệp đại học.
2. Học bổng bán phần và tiêu chuẩn xét chọn:
Học bổng bán phần được xác định là toàn bộ học phí theo quy định của cơ sở đào tạo, sinh hoạt phí được quy định cụ thể đối với từng nước, từng vùng lãnh thổ và chi phí đi lại từ nơi ở đến nơi học tập (được tính 01 lần đi, 01 lần về cho cả khóa học). Khoản kinh phí này do thành phố cấp 70%, gia đình học sinh chịu 30% và thực hiện đối với những học sinh có đủ các tiêu chuẩn sau:
a) Học lực đạt loại giỏi, hạnh kiểm đạt loại tốt liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 hệ phổ thông.
b) Thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ loại khá trở lên.
c) Đạt giải Khuyến khích cấp thành phố trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa. Môn đạt giải phải nằm trong các môn thi của khối thi đại học nguyên vọng 1. Riêng đối với học sinh đạt giải Khuyến khích cấp thành phố về môn Tin học thì không tính môn đạt giải trong các môn thi của khối thi đại học nhưng ngành đăng ký học nguyện vọng 1 phải phù hợp với môn Tin học.
d) Kết quả thi đại học nguyện vọng 1 đạt kết quả cao. Mức điểm thi đại học do Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất hàng năm và trình lãnh đạo thành phố xem xét.
e) Có sức khoẻ tốt.
f) Lý lịch bản thân học sinh và gia đình rõ ràng, bản thân học sinh và gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
g) Tích cực tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, văn nghệ, thể thao; có uy tín đối với tập thể.
Những học sinh được cấp học bổng bán phần phải cam kết về phục vụ thành phố từ 05 (năm) năm trở lên sau khi tốt nghiệp đại học.
Đối với những học sinh có đủ tiêu chuẩn được cấp học bổng toàn phần nhưng gia đình học sinh chỉ có nhu cầu tham gia Dự án ở mức học bổng bán phần thì được chấp nhận theo nguyện vọng gia đình học sinh.
IV. VỀ CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO, NGÀNH ĐÀO TẠO VÀ NGUYÊN TẮC XÉT TUYỂN
1. Chỉ tiêu đào tạo:
Tùy theo nhu cầu đào tạo của thành phố, hàng năm UBND thành phố sẽ quy địnhchỉ tiêu đào tạo cho từng ngành học cụ thể.
2. Ngành đào tạo:
Từ năm học 2007 - 2008 trở đi, thành phố sẽ cử học sinh đi đào tạo theo các chuyên ngành sau:
- Công nghệ thông tin;
- Điện tử - Viễn thông;
- Công nghệ sinh học;
- Công nghệ vật liệu;
- Dược;
- Y khoa;
- Xây dựng dân dụng và công nghiệp;
- Xây dựng cầu đường;
- Luật học;
- Luật quốc tế;
- Dịch vụ công;
- Kinh tế thương mại;
- Tài chính;
- Bảo tồn - Bảo tàng;
- Quản trị du lịch;
- Quản lý văn hóa;
- Quản lý thị trường tài chính;
- Quản lý môi trường;
- Quản lý đô thị;
- Quản lý kiến trúc;
- Quản lý và kinh doanh quốc tế;
- Quản lý nguồn nhân lực;
- Điện ảnh và kỹ thuật truyền hình;
- Âm nhạc;
- Hội hoạ;
- Tiếng Anh;
- Ngữ văn;
- Các ngành thuộc khoa học cơ bản: Toán học, Vật lý học, Hoá học, Sinh học;
- Các ngành sư phạm: Toán học, Vật lý học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.
Tùy theo tình hình cụ thể từng năm, UBND thành phố sẽ có điều chỉnh ngành học cho phù hợp.
3. Nguyên tắc dự tuyển và xét tuyển:
a) Học sinh nếu đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại mục III đều được đăng ký dự tuyển tham gia Dự án. Học sinh chỉ được đăng ký dự tuyển đào tạo tại một ngành của một trường Đại học tại một nước.
b) Việc xét chọn đi học nước ngoài chỉ thực hiện đối với các học sinh có đơn đăng ký tham gia Dự án trước khi nhập học năm thứ nhất bậc đại học (cùng thời điểm xét chọn học sinh đi học trong nước) và có khả năng ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo nước ngoài.
Trong trường hợp học sinh đã được xét chọn nhưng chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ của cơ sở đào tạo ở nước ngoài quy định, thì được bảo lưu kết quả xét chọn trong thời gian năm thứ nhất bậc đại học để học ngoại ngữ; chi phí học ngoại ngữ do học sinh và gia đình tự lo. Nếu sau năm học thứ nhất mà kết quả về ngoại ngữ của học sinh không đạt yêu cầu thì kết quả xét chọn đi học ở nước ngoài sẽ không còn giá trị.
c) Trên cơ sở danh sách học sinh đăng ký tham gia Dự án và đề nghị của cơ quan Thường trực quản lý Dự án, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ thành lập Hội đồng để xét tuyển học sinh tham gia Dự án.
Trong trường hợp số học sinh tham gia Dự án nhiều hơn chỉ tiêu, các tiêu chuẩn về thành tích học tập (xếp loại học lực, thi tốt nghiệp và giải học sinh giỏi các môn văn hóa) có thể được quy thành điểm; trên cơ sở đó, Hội đồng xét tuyển xét theo điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Cách tính điểm cụ thể do Hội đồng xét tuyển đề xuất.
V. VỀ LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO VÀ XÁC ĐỊNH TRƯỜNG ĐÀO TẠO
1. Trong khuôn khổ Dự án, chỉ cho phép học sinh theo học hệ đại học, không cho phép học hệ cao đẳng rồi chuyển lên bậc đại học.
2. Đối với các trường hợp quy định tại mục VIII, khoản 4, 5, 6 của Quyết định này thì cơ quan Thường trực quản lý Dự án đề xuất và trình lãnh đạo thành phố xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm xác định cơ sở đào tạo, quốc gia đào tạo để gửi học sinh đi học theo ngành nghề và chỉ tiêu của thành phố. Danh mục các quốc gia và cơ sở giáo dục mà thành phố gửi học sinh đi đào tạo sẽ được công bố hàng năm.
VI. VỀ KINH PHÍ ĐÀO TẠO
1. Đối với học ở trong nước:
Mức hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí thực hiện theo Quyết định số 8921/QĐ-UB ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt định mức kinh phí đào tạo cho học sinh đủ tiêu chuẩn tham gia Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước. Cụ thể như sau:
a) Tại thành phố Hà Nội: 19.800.000 VNĐ/năm học/học sinh.
b) Tại thành phố Hồ Chí Minh: 19.800.000 VNĐ/năm học/học sinh.
c) Tại thành phố Huế: 15.900.000 VNĐ/năm học/học sinh.
d) Tại thành phố Đà Nẵng: 11.600.000 VNĐ/năm học/học sinh.
2. Đối với học ở nước ngoài:
a) Về học phí:
Cấp đủ học phí theo thông báo của cơ sở đào tạo đối với học sinh được cử đi đào tạo:
+ Đối với các học sinh được cử đi đào tạo từ ngày 01/01/2007 trở về sau và học đúng ngành và cơ sở đào tạo do thành phố lựa chọn thì cấp đủ học phí theo thông báo của cơ sở đào tạo.
+ Những học sinh đã được cử đi đào tạo từ ngày 30/12/2006 trở về trước vẫn thực hiện như các quy định trước đây.
b) Về mức sinh hoạt phí:
Mức sinh hoạt phí hỗ trợ cho học sinh tham gia Dự án đi học tại các nước và vùng lãnh thổ được thực hiện như sau (tính cho 01 tháng học):
- Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh |
1.000 USD |
- Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy |
1.000 USD |
- Úc |
877 USD |
- NewZealand |
775 USD |
- Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông |
500 USD |
- Thái Lan, Philippin, Malaysia |
300 USD |
- Trung Quốc, Đài Loan |
350 USD |
3. Thời gian hỗ trợ kinh phí:
a) Đối với học trong nước: Bao gồm các năm học chính thức tại trường đại học.
b) Đối với học nước ngoài: Bao gồm các năm học chính thức và năm học dự bị ở trường đại học tại nước ngoài hoặc tại cơ sở của trường ở Việt Nam.
Trường hợp các học sinh đã tham gia Dự án 151 và Dự án 32 trước khi Quyết định này có hiệu lực thi hành có học 01 năm dự bị ở nước ngoài thì được hỗ trợ bổ sung kinh phí năm học dự bị trên cơ sở thông báo nhập học của trường đại học.
VII. VỀ CAM KẾT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG THAM GIA DỰ ÁN:
Gia đình học sinh và học sinh phải cam kết thực hiện đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng với cơ quan Thường trực quản lý Dự án. Khi đang tham gia Dự án, trong quá trình học tập, thành phố không giải quyết cho rút khỏi Dự án, trừ trường hợp có lý do đặc biệt (như sức khoẻ không đảm bảo tiếp tục học tập...).
VIII. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC
Những trường hợp đặc biệt sau đây có nguyện vọng tham gia Dự án hoặc đang tham gia Dự án, cơ quan Thường trực quản lý Dự án đề xuất và trình lãnh đạo thành phố xem xét quyết định:
1. Những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, có giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, đăng ký ngành học phù hợp với môn chuyên nhưng không nằm trong danh mục ngành đào tạo được quy định hàng năm của thành phố hoặc môn đạt giải không phù hợp với môn thi của khối thi đại học nguyện vọng 1.
2. Những học sinh đạt giải cấp quốc gia nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ tốt nghiệp loại trung bình do bị khống chế một môn dưới 6 điểm.
3. Những học sinh đã được thành phố phê duyệt đi học trong nước nhưng có nguyện vọng xin chuyển sang học các trường đại học nước ngoài và có kết quả học tập năm thứ nhất đạt loại khá, giỏi.
4. Những học sinh có kết quả học tập xuất sắc ở bậc đại học, có nguyện vọng học tiếp thạc sỹ và được trường đại học ở nước sở tại hoặc các tổ chức quốc tế hoạt động hợp pháp khác cấp học bổng để đào tạo thạc sỹ.
5. Những học sinh có kết quả học tập xuất sắc ở bậc đại học, có nguyện vọng học tiếp thạc sỹ nhưng không nhận được học bổng để đào tạo thạc sỹ của trường đại học ở nước sở tại hoặc các tổ chức quốc tế hoạt động hợp pháp khác.
6. Những học sinh tốt nghiệp đại học loại khá hoặc đạt yêu cầu, có nguyện vọng học tiếp thạc sỹ bằng kinh phí tự túc hoàn toàn của gia đình.
IX. VỀ KINH PHÍ THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Ngân sách thành phố cân đối, bố trí nguồn kinh phí thực hiện Dự án (bao gồm cả kinh phí quản lý và điều hành Dự án) trong dự toán chi ngân sách thành phố hàng năm, Sở Tài chính có trách nhiệm ứng trước từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án trong nguồn ngân sách theo quyết định của UBND thành phố.
2. Khi thực hiện, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích và lập đầy đủ các thủ tục thanh toán để hoàn tạm ứng cho ngân sách từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án được bố trí trong dự toán chi của Trường hàng năm.
Điều 2.Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |