Quy phạm pháp luật hành chính, phân loại quy phạm pháp luật hành chính?

10:00 - 18/06/2018 Tin pháp luật
Quy phạm pháp luật hành chính là những quy tắc xử sự chung do các chủ thể có thẩm quyền ban hành ra. Để phân loại quy phạm pháp luật hành chính, người ta có thể dựa trên nhiều căn cứ khác nhau.
1. Khái niệm:
Quy phạm pháp luật hành chính là những quy tắc xử sự chung do các chủ thể có thẩm quyền ban hành ra theo trình tự, thủ tục, dưới hình thức nhất định do pháp luật quy định, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, có hiệu lực bắt buộc phải thi hành đối với các đối tượng có liên quan và được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước.
 
2. Phân loại quy phạm pháp luật hành chính:
Để phân loại quy phạm pháp luật hành chính người ta có thể dựa trên nhiều căn cứ khác nhau mà chủ yếu là:
 
a. Căn cứ vào chủ thể ban hành, các quy phạm pháp luật hành chính được phân thành:
- Quy phạm pháp luật hành chính của cơ quan quyền lực nhà nước.
- Quy phạm pháp luật hành chính của Chủ tịch nước.
- Quy phạm pháp luật hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan này.
- Quy phạm pháp luật hành chính của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Quy phạm pháp luật hành chính của các cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội ban hành.
 
b. Căn cứ vào vào hiệu lực pháp luật của các quy phạm pháp luật hành chính, được phân thành:
- Quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc (hay một số địa phương nhất định). Đây là quy phạm pháp luật hành chính do các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương ban hành. Thường những quy phạm này có hiệu lực trên pạhm vi toàn quốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt khi các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thu hẹp phạm vi hiệu lực pháp lý của các quy phạm này thì chúng chỉ có hiệu lực đối với một số địa phương nhất định. Ngược lại những quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương cũng có thể có hiệu lực pháp lý vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt nam tác động đến các tổ chức, c1 nhân Việt Nam đang học tập, công tác, hoạt động ở nước ngoài....
- Quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực pháp lý trong phạm vi một địa phương. Đây là những quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương ban hành.
 
c. Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật hành chính, chúng được phân thành:
- Quy phạm pháp luật hành chính trao quyền. Đây là những quy phạm pháp luật hành chính cho phép các tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện những hành vi nhất định hoặc cho phép các chủ thể đó được lựa chọ những cách thức xử sự để hành động phù hợp với các yêu cầu mà quy phạm pháp luật hành chính đề ra.
- Quy phạm pháp luật đặt nghĩa vụ. Đây là những quy phạm pháp luật hành chính buộc các đối tượng có liên quan phải thực hiện những hành vi nhất định trong quản lý hành chính của nhà nước.
- Quy phạm pháp luật hành chính ngăn cấm. Đây là loại quy phạm pháp luật hành chính bắt buộc các đối tượng liên quan không thực hiện những hành vi nhất định.
 d. căn cứ vào tính chất của các quy phạm pháp luật hành chính, chúng được phân thành:
- Quy phạm pháp luật hành chính nội dung. Đây là quy phạm pháp luật hành chính đề cập đến các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quản lý hành chính nhà nước.
- Quy phạm pháp luật hành chính thủ tục. Đây là loại quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các đối tượng có liên quan trong quản lý hành chính nhà nước.

 

Chia sẻ