Quan hệ pháp luật hành chính, cơ sở làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính

10:21 - 18/06/2018 Tin pháp luật
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được các quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh giữa các chủ thể mang quyền và nhĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
1. Khái niệm:
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được các quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh giữa các chủ thể mang quyền và nhĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
Là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật, quan hệ pháp luật hành chính mang đầy đủ các đặc điểm của quan hệ pháp luật. Chúng là những quan hệ xã hội được quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đồng thời, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ có tính chất tương ứng với nhau. Bên cạnh những đặc điểm chung đó, quan hệ pháp luật hành chính còn có những đặc trưng riêng. Những đặc điểm đặc trưng riêng đó là:
 
- Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ pháp luật hành chính gắn liền với hoạt động quản lý hành chính nhà nước;
- Thứ hai, quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh do yêu cầu hợp pháp của bất kỳ bên nào, sự thoả thuận của phía bên kia không phải là điều kiện bắt buộc để hình thành quan hệ pháp luật hành chính;
- Thứ ba, một bên trong quan hệ pháp luật hành chính nhà nước phải là chủ thể được sử dụng quyền lực nhà nước. chủ thể này trong quan hệ pháp luật hành chính được gọi là chủ thể bắt buộc;
- Thứ tư, phần lớn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính do cơ quan hành chính nhà nước giải quyết, theo trình tự thủ tục hành chính. Trong những trường hợp được pháp luật quy định, nếu việc giải quyết tranh chấp hành chính bằng con đường hành chính không thoả mãn với các yêu cầu của các tổ chức cá nhân có liên quan, họ có thể yêu cầu toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính;
- Thứ năm, bên vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật hành chính phải chịu trách nhiệm pháp lý trước nhà nước chứ không phải bên kia của quan hệ pháp luật hành chính.
 
2. Cơ sở làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính:
Cũng như mọi quan hệ pháp luật khác, quan hệ pháp luật hành chính phát sinh, thay đổi, chấm dứt dựa trên những căn cứ sau:
- Quy phạm pháp luật hành chính: các quy phạm pháp luật hành chính đã xác định điều kiện, hoàn cảnh làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính cũng như quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính. Chính vì thế, quy phạm pháp luật hành chính là cơ sở về mặt pháp lý cho việc hình thành, phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính.
- Năng lực chủ thể của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính. Quan hệ pháp luật hành chính chỉ phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt giữa các chủ thể có đầy đủ năng lực chủ thể theo quy định của pháp luật hành chính.
- Sự kiện pháp lý hành chính. Đây là những sự kiện nảy sinh trong thực tế mà khi xuất hiện chúng pháp luật hành chính gắn với việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính. Đây là cơ sở thực tế cho việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính.
 
Các sự kiện pháp lý hành chính được phân thành:
+ Sự biến pháp lý hành chính: là những hiện tượng tự nhiên mà khi xuất hiện những hiện tượng này trên thực tế pháp luật hành chính gắn chúng với việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính.
+ Hành vi pháp lý hành chính: là hành động hoặc không hành động của tổ chức, cá nhân mà chúng xảy ra trên thực tế làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính. Thường hành vi pháp lý hành chính bao gồm các dạng: hành vi thực hiện quyền của các chủ thể trong quản lý hành chính nhà nước; hành vi thực thực hiện nghĩa vụ trong quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý hành chính.

 

Chia sẻ