Nợ công là gì? Phân biệt nợ công, nợ quốc gia, nợ chính phủ

14:39 - 24/12/2018 Tin pháp luật
Nợ công là gì? Nợ công có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của quốc gia? Nợ công khác gì với nợ quốc gia và nợ chính phủ, cùng Tailieuluat tìm hiểu!
Cùng Tailieuluat tìm hiểu về nợ công - một khái niệm vô cùng phổ biến nhưng không phải ai cũng đã hiểu rõ. Nhiều người thường nhầm lẫn nợ công với nợ quốc gia, nợ chính phủ, nhân bài viết này hãy cùng tìm hiểu để làm rõ.
 

Nợ công cộng là gì?

 
Nợ công cộng (public debt) là nợ quốc gia và một số khoản nợ khác mà chính phủ phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoàn trả, chẳng hạn các khoản nợ các doanh nghiệp nhà nước.
 
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
 
nợ công là gì
Nợ công là gì? (Ảnh minh họa)
 

Nợ công có ảnh hưởng gì?

 

Như trên đã phân tích, nợ công vừa có nhiều tác động tích cực nhưng cũng có một số tác động tiêu cực. Nhận biết những tác động tích cực và tiêu cực nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực là điều hết sức cần thiết trong xây dựng và thực hiện pháp luật về quản lý nợ công. Những tác động tích cực chủ yếu của nợ công bao gồm: 
 
- Nợ công làm gia tăng nguồn lực cho Nhà nước, từ đó tăng cường nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của Nhà nước. Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó cơ sở hạ tầng là yếu tố có tính chất quyết định. Muốn phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng và đồng bộ, vốn là yếu tố quan trọng nhất. Với chính sách huy động nợ công hợp lý, nhu cầu về vốn sẽ từng bước được giải quyết để đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế. 
 
- Huy động nợ công góp phần tận dụng được nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư. Một bộ phận dân cư trong xã hội có các khoản tiết kiệm, thông qua việc Nhà nước vay nợ mà những khoản tiền nhàn rỗi này được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cho cả khu vực công lẫn khu vực tư. 
 
- Nợ công sẽ tận dụng được sự hỗ trợ từ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế. Tài trợ quốc tế là một trong những hoạt động kinh tế – ngoại giao quan trọng của các nước phát triển muốn gây ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo, cũng như muốn hợp tác kinh tế song phương.
 
Nếu Việt Nam biết tận dụng tốt những cơ hội này, thì sẽ có thêm nhiều nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trên cơ sở tôn trọng lợi ích nước bạn, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, nợ công cũng gây ra những tác động tiêu cực nhất định. Nợ công sẽ gây áp lực lên chính sách tiền tệ, đặc biệt là từ các khoản tài trợ ngoài nước. Nếu kỷ luật tài chính của Nhà nước lỏng lẻo, nợ công sẽ tỏ ra kém hiệu quả và tình trạng tham nhũng, lãng phí sẽ tràn lan nếu thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ việc sử dụng và quản lý nợ công.
 

Phân biệt nợ công, nợ quốc gia, nợ chính phủ

 
Nợ công là nợ của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Có thể là nợ nội địa từ các nhà đầu tư trong nước, có thể là nợ ngoại khi vay mượn từ nước ngoài. Thường chính phủ mượn nợ qua các công cụ: phát hành công khố phiếu, các trái phiếu hay các quốc gia nghèo thường vay các ngân hàng phát triển quốc tế hay vùng như VN nợ ADB, WB… Thu nhập của chính phủ là do nguồn thuế nên nợ công là nợ quốc dân, nợ mà người dân đóng thuế phải trả.
 
Nợ quốc gia (nợ công hoặc nợ chính phủ) là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Do đó, nợ chính phủ, nói cách khác, là thâm hụt ngân sách luỹ kế tính đến một thời điểm nào đó. Để tính toán quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ dựa trên phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
 
Nợ chính phủ, là một phần thuộc Nợ công hoặc Nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay. Việc đi vay này là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách nên nói cách khác, nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó. Để dễ hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 

ThanhNT
Chia sẻ