Nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tập trung dân chủ và pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước

10:55 - 18/06/2018 Tin pháp luật
Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước là nguyên tắc cơ bản đặt lên hàng đầu trong quản lý hành chính nhà nước. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tập trung dân chủ và pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phướng, quản lý theo ngành với quản lý theo chức năng.
1. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước:
Đây là nguyên tắc cơ bản đặt lên hàng đầu trong quản lý hành chính nhà nước. Biểu hiện cụ thể ở các hình thức và phương pháp hoạt động của tổ chức Đảng: trước hết Đảng lãnh đạo quản lý hành chính nhà nước bằng việc đưa ra những đường lối, chủ trương, chính sách của mình về các lĩnh vực hoạt động khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. Thứ hai, vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản lý hành chính nhà nước thể hiện trong công tác tổ chức cán bộ. Thứ ba, Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước bằng hình thức kiểm tra. Kiểm tra của các tổ chức Đảng là kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Cùng với những hình thức này, sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý hành chính nhà nước còn được thực hiện thông qua uy tín và vai trò gương mẫu của các tổ chức Đảng và các Đảng viên.
 
2. Nguyên tắc tập trung – dân chủ:
Tập trung dân chủ là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của nhà nước ta cho nên việc thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước tất nhiên cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước biểu hiện ở những điểm sau: Sự phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp; sự phục tùng của cấp dưới đối vơí cấp trên, địa phương với trung ương; sự phân cấp quản lý; sự hướng về cơ sở; sự phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
 
3. Nguyên tắc pháp chế XHCN:
Quản lý hành chính nhà nước là một công việc phức tạp bao gồm nhiêù lĩnh vực hoạt đông khác nhau. Đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp chế XHCN trong quản lý hành chính nhà nước có nghĩa là phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu đối với từng lĩnh vực hoạt động khác nhau đó, cụ thể là:
- Trong hoạt động ban hành văn bản pháp luật.  Đòi hỏi: các văn bản pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước phải được ban hành đúng thẩm quyền, có nội dung hợp pháp và thống nhất, ban hành đúng tên gọi và hình thức được pháp luật quy định, ban hành đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
- Trong hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật. Đòi hỏi: Triệt để tôn trọng các văn bản pháp luật về thẩm quyền và nội dung ban hành; hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt, theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất; Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm trong quản lý hành chính nhà nước.
 
4. Nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương:
Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, quản lý theo ngành và quản lý theo chức năng luôn được kết hợp chặt chẽ với quản lý theo địa phương. Đó chính là sự phối hợp quản lý theo chiều dọc của các bộ với quản lý theo chiều ngang của chính quyền địa phương, theo sự phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý giữa các ngành, các cấp. Sự kết hợp này đã trở thành một nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước. sự kết hợp này là cần thiết bởi lẽ:
- Mỗi đơn vị, tổ chức của một ngành đều nằm trên lãnh thổ một địa phương nhất định;
- Ở mỗi địa bàn lãnh thổ nhất định hoạt động của ngành, lĩnh vực chuyên môn mang những nét đặc thù riêng;
- Trên lãnh thổ một địa phương có hoạt động của các đơn vị, tổ chức của các ngành khác nhau. Hoạt đông của các đơn vị tổ chức đó bị chi phối bởi yếu tố địa phương. Đồng thời các đơn vị tổ chức thuộc các ngành lại có mối liên hệ xuyên suốt trong phạm vi toàn quốc.
Sự phối hợp này được biểu hiện cụ thể qua các hoạt động: trong hoạt động quy hoạch và kế hoạch; trong xây dựng và chỉ đạo bộ máy chuyên môn; trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; trong ban hành và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
 
5. Nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo chức năng:
Nguyên tắc này thể hiện ở những nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý theo chức năng, cơ quan quản lý ngành trong việc thực hiện các công việc của quản lý hành chính nhà nước, cụ thể:
- Các cơ quan quản lý theo chức năng có quyền ban hành các qui định, mệnh lệnh cụ thể liên quan đến chức năng quản lý của mình theo quy định của pháp luật, có tính chất bắt buộc phải thực hiện đôí với các ngành, các cấp, đồng thời các cơ quan quản lý theo chức năng kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ do mình ban hành, xử lý hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các chính sách, chế độ do mình ban hành theo quy định của pháp luật.
- Các cơ quan quản lý ngành có quyền ban hành các quyết định quản lý có tính chất bắt buộc phải thực hiện đối với các ngành có liên quan trong phạm vi những vấn đề thuộc quyền quản lý của ngành và kiểm tra việc thực hiện các quyết định quản lý đó.
- Trong phạm vi công việc của mình, các cơ quan quản lý theo ngành, quản lý theo chức năng có quyền phối hợp với nhau để ban hành các quyết định quản lý có hiệu lực chung trong phạm vi hoạt động các ngành hoặc lĩnh vực chuyên môn mà chúng được phân công.

 

Chia sẻ