HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2018/NQ-HĐND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 03 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỨC THU NHẬP CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC ĐỐI VỚI LĨNH VỰC THÀNH PHỐ CÓ NHU CẦU THU HÚT GIAI ĐOẠN 2018 - 2022
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP BẤT THƯỜNG)
(Từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 3 năm 2018)
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;
Xét Tờ trình số 906/TTr-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2022; Báo cáo thẩm tra số 104/BC-HĐND ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ bảy (kỳ họp bất thường).
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thực hiện mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022 như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn thành phố, các cơ quan, đơn vị ngành dọc và lực lượng vũ trang).
b) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan, đơn vị nêu tại điểm a khoản 1 Điều 1.
2. Lĩnh vực thu hút:
- Công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh.
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (logistics).
- Nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tế bào gốc.
- Xây dựng trung tâm tài chính.
- Xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại, gồm: xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng sức tải lớn, không gian ngầm, công trình phòng chống thiên tai, xử lý sự cố môi trường, quy hoạch và phát triển đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu.
- Vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch, công nghệ số.
- Các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản: kinh tế số, khoa học tính toán và dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...
- Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học xã hội.
- Các lĩnh vực khác có nhu cầu thu hút, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
3. Đối tượng áp dụng:
Chuyên gia, nhà khoa học: Là người có trình độ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và thành tích nghiên cứu khoa học; có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới, có công trình nghiên cứu xuất sắc đã được nghiệm thu, hoặc sáng chế được công nhận đem lại hiệu quả cao, được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các ngành, lĩnh vực khác. Chuyên gia, nhà khoa học phải có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, quản lý hoạt động khoa học, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế chế tạo sản phẩm liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.
4. Mức thu nhập, chính sách đãi ngộ:
a) Trợ cấp ban đầu (chỉ áp dụng 01 lần và cho lần kỳ hợp đồng đầu tiên):
Áp dụng mức trợ cấp ban đầu tối đa 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) đối với các chuyên gia, nhà khoa học được thu hút, tuyển chọn theo đề án cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng chuyên gia, nhà khoa học theo trình độ, năng lực và uy tín cá nhân.
b) Tiền lương hàng tháng:
Chuyên gia, nhà khoa học được ký kết hợp đồng lao động với mức lương tính theo hệ số của Bảng lương Chuyên gia cao cấp ban hành theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Việc áp dụng mức lương cụ thể cho từng nhóm đối tượng chuyên gia, nhà khoa học tương xứng với trình độ, năng lực và uy tín cá nhân.
c) Chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ:
- Mỗi một công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, công nghệ (gọi tắt là “công trình nghiên cứu”) từ cấp thành phố và tương đương trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình nghiên cứu đó. Tổng mức hỗ trợ khuyến khích không thấp hơn 50.000.000 đồng/người/công trình nghiên cứu (năm mươi triệu đồng). Trường hợp tổng mức ngân sách thành phố đầu tư cho công trình nghiên cứu đã được phê duyệt hoặc cấp phép, công nhận chính thức vượt quá 100.000.000.000 đồng/công trình nghiên cứu (một trăm tỷ đồng) thì mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000.000 đồng/người/công trình nghiên cứu (một tỷ đồng).
- Trường hợp có nhiều chuyên gia được ký hợp đồng thực hiện công trình nghiên cứu thì tổng số tiền phụ cấp khuyến khích cho tổ chuyên gia là 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình nghiên cứu đó. Mức hỗ trợ khuyến khích cho tổ chuyên gia không thấp hơn 30.000.000 đồng/người/công trình nghiên cứu (ba mươi triệu đồng) và tổng số tiền phụ cấp cho tổ chuyên gia tối đa 1.500.000. 000 đồng/công trình nghiên cứu (một tỷ năm trăm triệu đồng).
d) Chính sách nhà ở, phương tiện đi lại:
Chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu nhà ở thì được xem xét bố trí nhà ở công vụ. Trường hợp không bố trí được nhà ở công vụ thì được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở và số tiền không vượt quá 7.000.000 đồng/tháng. Đồng thời bố trí phương tiện đi lại phục vụ công việc cho các chuyên gia, nhà khoa học.
5. Quy trình thu hút, tuyển chọn:
Giao Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể, quy trình thu hút, tuyển chọn các chuyên gia, nhà khoa học phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Điều 2. Kinh phí thực hiện:
Do ngân sách thành phố chi trả.
Điều 3. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố:
a) Phối hợp với các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố xây dựng và triển khai các đề tài, đề án, chương trình, có cơ chế tài chính để xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên ngành dùng chung.
b) Kịp thời đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố thay đổi các lĩnh vực cần thu hút và mức thu nhập thu hút chuyên gia, nhà khoa học; báo cáo kết quả tổ chức thực hiện trình Hội đồng nhân dân thành phố vào kỳ họp cuối năm 2020 để làm cơ sở điều chỉnh, hoàn thiện chính sách cho những năm tiếp theo.
c) Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.
d) Tiếp tục xem xét, đề xuất chính sách mức thu nhập cho tài năng đặc biệt của thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố trong năm 2018.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 16 tháng 3 năm 2018./.
|
CHỦ TỊCH |