HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2018/NQ-HĐND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 03 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHI THU NHẬP TĂNG THÊM CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC KHU VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP DO THÀNH PHỐ QUẢN LÝ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BẢY
(Từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 3 năm 2018)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức;
Xét Tờ trình số 903/TTr-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý; Báo cáo thẩm tra số 109/BC-HĐND ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này “Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý”.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 16 tháng 3 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2018./.
|
CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
VỀ CHI THU NHẬP TĂNG THÊM CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC KHU VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP DO THÀNH PHỐ QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý từ cấp thành phố đến cấp quận- huyện, phường - xã, thị trấn (sau đây gọi chung là đơn vị).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp phường - xã, thị trấn được cấp có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
1. Thu nhập tăng thêm theo quy định của Nghị quyết này được chi trả căn cứ hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị do Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá theo quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ. Mỗi đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo dân chủ, minh bạch.
- Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ, giao Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn để các đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc.
2. Chi trả thu nhập tăng thêm của năm nào thì căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng quý, hàng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Căn cứ nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của Thành phố từng năm trong giai đoạn 2018 - 2020, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ rà soát hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm so với khả năng cân đối ngân sách thực tế hàng năm. Nếu có thay đổi, Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Điều 4. Mức chi trả thu nhập tăng thêm
Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm giai đoạn 2018 - 2020 theo lộ trình như sau:
1. Năm 2018: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ). (Hệ số này nằm trong mức tối đa 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội).
2. Năm 2019: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ). (Hệ số này nằm trong mức tối đa 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội).
3. Năm 2020: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ). (Hệ số này bằng mức tối đa 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội).
Căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; gắn với hiệu quả công việc và không cào bằng.
Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm
1. Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị
Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành (sau khi đã thực hiện chi trả chính sách tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hàng năm), được sử dụng theo trình tự như sau:
a) Nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang.
b) Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp theo quy định (không kể các khoản chi lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ).
c) Nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm theo quy định của cấp có thẩm quyền.
d) Sau khi sử dụng hết các nguồn cải cách tiền lương nêu trên, trường hợp nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh thu nhập tăng thêm theo quy định của Nghị quyết này còn thiếu so với nguồn hiện có, các cấp ngân sách sẽ xem xét bố trí nguồn cải cách tiền lương của ngân sách cho đơn vị thực hiện chi trả theo quy định.
2. Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại các cấp ngân sách
Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại cấp ngân sách quận - huyện (sau khi đã thực hiện chi trả chính sách tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hàng năm) bao gồm:
a) Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang của cấp ngân sách quận - huyện.
b) Nguồn 50% tăng thu ngân sách quận - huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm trước so với dự toán năm trước.
c) Nguồn 50% tăng thu ngân sách quận - huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm hiện hành so với dự toán năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
Trường hợp nguồn kinh phí nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì ngân sách thành phố sẽ xem xét bổ sung phần chênh lệch thiếu từ nguồn cải cách tiền lương cấp thành phố cho các quận - huyện để đảm bảo đủ nguồn kinh phí thực hiện.
Trường hợp nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì các quận - huyện tự đảm bảo kinh phí thực hiện; phần chênh lệch lớn hơn dành để thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm khi Chính phủ tiếp tục ban hành mức lương tối thiểu mới, chi cho các nội dung theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, không sử dụng phần kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.
Điều 6. Quy định trích lập nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu được để lại hàng năm của các đơn vị
1. Tỷ lệ trích lập nguồn cải cách tiền lương từ số thu được để lại.
Nhằm tạo nguồn cải cách tiền lương để thực hiện quy định tăng lương tối thiểu theo lộ trình của Chính phủ và thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết này, các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) số thu được để lại hàng năm để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định trong giai đoạn 2018 - 2020.
Trường hợp nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ số thu trong năm (cộng với các nguồn cải cách tiền lương khác theo quy định) cao hơn nhu cầu thực hiện chi lương tối thiểu theo lộ trình tăng lương của Chính phủ và nhu cầu chi thu nhập tăng thêm theo quy định tại Nghị quyết này, phần chênh lệch thừa trong năm từ nguồn 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) xử lý như sau:
a) Đối với cơ quan hành chính: Tiếp tục theo dõi để thực hiện cho những năm tiếp theo.
b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Tiếp tục theo dõi để thực hiện cho những năm tiếp theo. Trường hợp đơn vị nào cam kết trong những năm tiếp theo tự đảm bảo nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả lương tối thiểu theo lộ trình tăng lương của Chính phủ và chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định tại Nghị quyết này, thì được sử dụng nguồn 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) nêu trên còn dư để chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của đơn vị và thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định hiện hành.
2. Phạm vị trích lập nguồn cải cách tiền lương từ số thu được để lại
Các đơn vị xác định phạm vị trích lập nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu được để lại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm1.
Điều 7. Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 4 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 chi thu nhập tăng thêm đủ 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ và duy trì đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội.
Điều 8. Tổ chức thực hiện:
Giao Ủy ban nhân dân thành phố:
1. Quy định, hướng dẫn chi tiết việc bố trí ngân sách, cách thức phân bổ, chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức, viên chức; quy định mỗi đơn vị phải có quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện chi kịp thời theo hàng quý.
2. Quy định, hướng dẫn tiêu chí đánh giá theo tính chất công việc; có chỉ số đo lường để đánh giá hiệu suất làm việc đối với cá nhân để làm cơ sở phân bổ, phân chia thu nhập tăng thêm đảm bảo nguyên tắc theo kết quả, hiệu quả công việc; nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, năng suất lao động; gắn với cải cách hành chính, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giảm biên chế; giao thẩm quyền thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố và phải công khai, dân chủ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.
3. Có chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức;
4. Sau một năm thực hiện, tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện; trong đó chọn một số đơn vị để đánh giá, đo lường hiệu quả công việc, hiệu suất làm việc, năng suất lao động từng cán bộ, công chức, viên chức và đơn vị.
5. Định kỳ hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố kết quả thực hiện và nguồn cải cách tiền lương còn dư của thành phố./.
1 Ví dụ theo quy định tại Thông tư 67/2017/TT-BTC: Đối với số thu học phí chính quy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập: 40% số thu để thực hiện CCTL được tính trên toàn bộ số thu học phí; đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí) 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên số thu được để lại theo chế độ sau khi loại trừ các chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí...