Hình thức và phương pháp quản lý hành chính nhà nước

11:11 - 18/06/2018 Tin pháp luật
Hình thức quản lý hành chính nhà nước là những biểu hiện bên ngoài của hoạt động chấp hành, điều hành do các chủ thể của quản lý hành chính nhà nước thực hiện, bao gồm: hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, áp dụng các biện pháp tổ chức trực tiếp, những hoạt động mang tính chất pháp lý khác, những tác động về nghiệp vụ kỹ thuật.
1. Quản lý hành chính nhà nước:
Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt động của nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp lệnh và các nghị quyết của cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo thực hiện một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hoá, xã hội và hành chính – chính trị của nước ta. Hay nói một cách khác, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành, điều hành của nhà nước.
Chủ thể của quản lý hành chính nhà nước là các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan kiểm sát, xét xử và các tổ chức xã hội, cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý hành chính trong một số trường hợp cụ thể.
Khách thể của quản lý hành chính nhà nước là trật tự quản lý hành chính.
 
2. Hình thức quản lý hành chính nhà nước:
Hình thức quản lý hành chính nhà nước là những biểu hiện bên ngoài của hoạt động chấp hành, điều hành do các chủ thể của quản lý hành chính nhà nước thực hiện.
Các hình thức quản lý hành chính nhà nước bao gồm:
a. Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Đây là hình thức pháp lý của hoạt động chấp hành – điều hành. Hoạt động này được gọi là hoạt động lập quy. Nó quy định chi tiết những vấn đề mà luật chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Trong các văn bản quy phạm pháp luật của mình, các cơ quan hành chính nhà nước đặt ra các quy tắc xử sự chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động chấp hành, điều hành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thẩm quyền này của cơ quan nhà nước do pháp luật quy định.
b. Hoạt động ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính:
 Đây là hình thức hoạt động chủ yếu của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua hình thức này các cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy phạm pháp luật hiện hành của nhà nước để giải quyết những công việc cụ thể. Những hoạt động này trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể.
c. Áp dụng các biện pháp tổ chức trực tiếp:
Nội dung của hình thức hoạt động này không mang tính chất quyền lực nhà nước, không có tính chất bắt buộc cứng rắn như các hình thức ban hành văn bản quản lý. Những hoạt động này rất đa dạng và có vai trò rất quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước. Thông qua đó các chủ thể của quản lý hành chính nhà nước kiểm tra, hướng dẫn cac đối tượng quản lý trong việc thực hiện pháp luật, cung cấp thông tin, tư liệu tuyên truyền, giải thích pháp luật, tổng kết kinh nghiệm công tác thực hiện pháp luật.
d. Những hoạt động mang tính chất pháp lý khác như: cấp văn bằng, chứng chỉ, lập biên bản vi phạm, thu tiền phạt ... chúng có thể trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính cụ thể.
e. Những tác động về nghiệp vụ kỹ thuật:
Đó là những hoạt động dùng kiến thức nghiệp vụ, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình quản lý hành chính nhà nước. Những hoạt động này không mang tính chất pháp lý. Chúng ngày càng được chú trọng và góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
 
3. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước:
Phương pháp quản lý là cách thức tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt mục đích đặt ra theo kế hoạch định trước. Có các phương pháp quản lý hành chính nhà nước sau:
a. Phương pháp thuyết phục:
Là phương pháp quản lý bao gồm những hoạt động như giải thích, hướng dẫn, động viên, khuyến khích, trình bày, chứng minh, để đảm bảo sự cộng tác, tuân thủ hay phục tùng tự giác của đối tượng quản lý nhằm đạt một kết quả nhất định.
b. Phương pháp cưỡng chế nhà nước:
Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một cá nhân hay tổ chức nhất định, về mặt vật chất hay tinh thần nhằm buộc các cá nhân hay tổ chức đó thực hiện những hành vi nhất định do pháp luụât quy định, hoặc phải phục tùng những hạn chế nhất định đối với tài sản của cá nhân hay tổ chức hoặc tự do thân thể của cá nhân đó.
Cưỡng chế của nhà nước XHCN là biện pháp của đa số với thiểu số và được áp dụng trong giới hạn do luật định. Có 4 loại cưỡng chế nhà nước:
- Cưỡng chế hình sự: là biện pháp cưỡng chế nhà nước được các cơ quan tư pháp áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội.
- Cưỡng chế dân sự: là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan tư pháp áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm các quy phạm pháp luật dân sự, gây thiệt hại cho nhà nước, tập thể hoặc công dân.
- Cưỡng chế kỷ luật: là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan nhà nước áp dụng đối với công nhân viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật lao động trong nội bộ cơ quan, không gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với trật tự xã hội.
- Cưỡng chế hành chính: là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan hành chính nhà nước và trong những trường hợp nhất định thì do Toà án, quyết định đối với cá nhân hay tổ chức đã có hành vi vi phạm hành chính hoặc đối với một số cá nhân, tổ chức nhất định nhằm ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra hay ngăn chặn những thiệt hại do thiên tai định hoạ gây ra.
c. Phương pháp hành chính:
Là phương pháp ra chỉ thị từ trên xuống. Phương pháp này bao hàm cả hai nhân tố; thuyết phục và cưỡng chế. Nó dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ.
d. Phương pháp kinh tế trong quản lý hành chính:
Đây là phương pháp dùng đòn bẩy kinh tế, nhằm động viên cá nhâ, tập thể tích cự lao động sản xuất, phát huy tài năng sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao  với năng suất chất lượng hiệu quả cao, bảo đảm kết hợp chặt chhẽ lợi ích chung của xã hội và lợi ích riêng của người lao động.
Chia sẻ