Hiệp sỹ đường phố có nên tham gia huấn luyện dân quân tự vệ?

15:53 - 07/06/2018 Tin pháp luật
Sau vụ việc "hiệp sỹ đường phố" bị đâm chết khi đang làm nhiệm vụ bắt cướp ở Sài Gòn, nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng phòng vệ, kỹ năng nghiệp vụ của đội quân này.

huấn luyện dân quân tự vệ

Ảnh minh họa.

 

Mặc dù thành lập với mục đích tốt, nhằm bảo vệ an ninh trật tự đô thị, đường phố; tuy nhiên các hiệp sỹ đường phố luôn đối diện với các hiểm nguy khi gặp phải các tội phạm nguy hiểm, hành động côn đồ. 

Mới đây nhất, vụ hiệp sỹ đường phố bị đâm chết ở Sài Gòn khi đang thực hiện nhiệm vụ truy đổi tên cướp xe SH, dư luận tỏ ra lo ngại cho đội quân này.

 

Liệu có nên khuyến khích mô hình "hiệp sỹ đường phố" duy trì săn bắt cướp hay không? Và đâu là giải pháp bảo đảm an toàn cho họ?

 

Vẫn biết khi gia nhập vào đội, các hiệp sỹ có trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng thủ, tự vệ... tuy nhiên, sự trang bị đó chưa được bài bản, kỹ lưỡng... và họ vẫn có nguy cơ gặp phải những hiểm họa khôn lường.

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình hiệp sỹ không nên tồn tại như hiện nay bởi nó có thể mang đến nhiều hậu quả không thể kiểm soát được.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, đội quân hiệp sỹ đường phố cần được trang bị bài bản hơn về các kỹ năng, hoặc có thể tham gia các lớp huấn luyện dân quân tự vệ tại địa phương hơn là được thành lập một cách tự phát như hiện nay. Bởi nhiệm vụ của dân quân tự vệ cũng có nhiều điểm tương đồng với đội quân hiệp sỹ đường phố, việc phối hợp giữa các lực lượng có thể mang đến hiệu quả tốt nhất cũng như đảm bảo hơn về sự an toàn.

 

Trích dẫn Luật dân quân tự vệ số 43/2009/QH12:

Điều 8. Nhiệm vụ của dân quân tự vệ

1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở; phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển và lực lượng khác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.

2. Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

3. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác.

4. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cơ sở.

5. Học tập chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự và diễn tập.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ