ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2516 /UBND-KT V/v tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2018 |
Kính gửi:
- Các Sở: Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ;
- Công an thành phố Hà Nội;
- Cục Hải quan thành phố Hà Nội;
- Cục Thuế thành phố Hà Nội;
- UBND các quận, huyện, thị xã.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhận được Công văn số 2106/BYTKH-TC ngày 18/4/2018 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế (bản chụp kèm theo). Về việc này, UBND Thành phố có ý kiến như sau:
Để công tác phòng, chống buôn lậu, ngăn chặn sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong lĩnh vực y tế (thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền...) trên địa bàn Thành phố kịp thời và hiệu quả, yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức thực hiện Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 ngày 31/7/2015 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP):
- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện các Kế hoạch liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực y tế. | - Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các hành vi gian lận thương mại khác đối với thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu... lưu thông trên thị trường; Chú trọng kiểm tra, kiểm soát tại một số địa bàn trọng điểm như: chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), tuyến phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), quận Hoàn Kiếm...; Kết hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật, thông tin về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích; phê phán những hành vi tiêu cực và công khai kết quả điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Sở Y tế:
- Phối hợp các cơ quan chức năng rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, hợp quy, kiểm tra chất lượng các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc cổ truyền.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm trên địa bàn Thành phố để kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định.
- Rà soát, phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế, để có cơ sở kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh kịp thời.
- Chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu phối hợp về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực ngành y tế quản lý.
3. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, thanh tra về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành.
- Phối hợp Chi cục Quản lý thị trường triển khai công tác kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa, chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền... để phát hiện các thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói nhằm tăng giá, thu lợi bất chính.
- Phối hợp, hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong việc thu thập thông tin, trao đổi nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan.
4. Công an thành phố Hà Nội:
- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ; Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để triệt phá tận gốc các đường dây, ô nhóm, các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền...
- Chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra chủ động phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố, các cơ quan chức năng Thành phố trong công tác phát hiện, xử lý, điều tra và đưa ra truy tố, xét xử các đối tượng vị phạm; rà soát kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.
5. Cục Hải quan thành phố Hà Nội:
- Chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu, đơn vị nghiệp vụ, Đội Kiểm soát Hải quan thực hiện nghiêm các quy định về quy trình, thủ tục hải quan, đấy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tăng cường tập trung xác định các rủi ro về điều kiện nhập khẩu như: giấy phép, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu... đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại các cửa khẩu, các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan để kịp thời kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
- Tăng cường giám sát các loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gian lận về xuất xứ, trị giá, chất lượng và số lượng (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...); theo dõi kịp thời và đưa ra các giải pháp phòng, chống buôn lậu qua xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập.
- Trao đổi, cung cấp thông tin về các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu phối hợp.
6. Cục Thuế thành phố Hà Nội:
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế; triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu, thất thoát ngân sách; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... và các hành vi gian lận khác để trốn thuế, chiếm đoạt ngân sách Nhà nước.
- Chủ động phối hợp các đơn vị liên quan (Quản lý thị trường, Công an, UBND các cấp...) chọn lọc, khoanh vùng những đối tượng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế để đề xuất thanh tra, kiểm tra theo quy định.
7. UBND các quận, huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra, kiểm tra của Thành phố và chủ động xây dựng, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, các giải pháp phòng ngừa đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế, lồng ghép vào Kế hoạch và Chương trình hành động phát triển kinh tế xã hội của địa phương và chủ động bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, cập nhật thường xuyên hoạt động của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn quản lý qua đó tham mưu UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị chức năng phối
hợp kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế trên địa bàn, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm...; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong lĩnh vực hành nghề khám, chữa bệnh; sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu trên địa bàn được phân công quản lý.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quy định pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn và vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không tham gia, tiếp tay cho hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền...
8. Các Sở, ban, ngành thành viên BCĐ 389/TP Hà Nội:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về hàng giả, thông tin các vi phạm về thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu,...;
- Phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ban, ngành tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Công Thương, Bộ Y tế xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền.l.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
|