BỘ Y TẾ -------- Số: 1244/BYT-MT V/v Hướng dẫn xử lý các |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2020 |
Kính gửi:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 26/02/2020, Bộ Y tế đã có Công văn số 914/BYT-MT gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học.
Hiện nay tình hình dịch đang có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tình hình dịch trong nước tuy vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng nguy cơ lây nhiễm đối với học sinh, sinh viên và giáo viên, người lao động trong trường học vẫn có khả năng xảy ra. Để tăng cường biện pháp phòng chống dịch tại trường học, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, an toàn dạy và học cho học sinh, sinh viên và giáo viên, người lao động, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia) đã xây dựng Hướng dẫn xử lý các trường hợp bị ho, sốt, khó thở tại trường học - sau đây viết là Hướng dẫn (được gửi kèm theo Công văn này).
Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Chỉ đạo đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện Hướng dẫn.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
- Tăng cường nhân lực y tế hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các trường học.
- Đảm bảo đủ kinh phí để triển khai tập huấn Hướng dẫn xử lý các trường hợp bị ho, sốt, khó thở tại trường học.
- Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực thực hiện.
- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn triển khai Hướng dẫn cho Lãnh đạo nhà trường, nhân viên y tế/giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học, học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong trường học.
- Giao Sở Y tế tổ chức tập huấn triển khai Hướng dẫn cho các đơn vị y tế trên địa bàn.
- Kiểm tra giám sát việc thực hiện Hướng dẫn tại các trường học trên địa bàn.
- Báo cáo kết quả triển khai về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế).
Thông tin liên hệ Văn phòng Cục, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế (Ngõ 8 Tôn Thất Thuyết, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) theo số điện thoại 02432272860, số Fax: 02432272858, web-site: www.vihema.gov.vn, E-mail: vanphongcuc.vihema@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận: - Như trên; - PTTg Vũ Đức Đam (để b/c); - Các đ/c Thứ trưởng; - Sở Y tế các tỉnh/thành phố (để thực hiện); - Các Vụ/Cục: YTDP, KCB, TTTĐ-KT, ATTP, KHTC, VPB (để thực hiện); - Các Viện: SKNN&MT/VSDT/Pasteur/YTCC (để thự hiện); - Lưu: VT, MT |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Đỗ Xuân Tuyên
|
HƯỚNG DẪN
XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP CÓ BIỂU HIỆN SỐT, HO, KHÓ THỞ TẠI TRƯỜNG HỌC
(Ban hành kèm theo Công văn số 1244/BYT-MT ngày 13/3/2020 của Bộ Y tế)
A. Phạm vi và đối tượng áp dụng
- Cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là nhà trường).
- Toàn bộ Lãnh đạo, giáo viên, cán bộ công nhân viên, người lao động, học sinh, sinh viên, học viên tại nhà trường.
- Trạm y tế cấp xã, cán bộ y tế trường học.
- Cha mẹ, phụ huynh học sinh.
B. Hướng dẫn cụ thể
I. Tại trường học:
Khi phát hiện có học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, cán bộ công nhân viên, người lao động có một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở (người nghi ngờ) tại trường học, nhà trường cần thực hiện theo các bước sau:
1. Đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 01 mét với những người khác.
2. Nhân viên y tế/giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học (sau đây gọi tắt là cán bộ y tế trường học) đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế (trang phục y tế này phải được thay trước khi ra khỏi phòng y tế hoặc khu vực cách ly và giặt sạch với chất tẩy rửa hoặc xà phòng trước khi dùng lại, không giặt chung với các đồ vải khác). Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi ngờ.
3. Khai thác tiền sử tiếp xúc của người nghi ngờ:
3.1. Đối với giáo viên, sinh viên, học viên thì hỏi trực tiếp.
3.2. Đối với học sinh bậc phổ thông: mời cha mẹ học sinh đến trường để phối hợp hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và thực hiện các biện pháp xử lý.
3.3. Hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và cách xử trí
- Trong vòng 14 ngày trước đó có đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (cả trong và ngoài nước), nêu địa điểm cụ thể nếu có.
- Trong vòng 14 ngày có tiếp xúc gần (sống cùng nhà, học cùng lớp, sinh hoạt chung, làm việc cùng phòng, tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤1-2m, di chuyển trên cùng phương tiện, ...) với những người đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người nghi ngờ hoặc xét nghiệm có dương tính với COVID-19.
- Nếu không có cả hai yếu tố tiếp xúc dịch tễ nêu trên thì thực hiện tiếp theo Mục 4.1.
- Nếu có một trong hai yếu tố tiếp xúc dịch tễ nêu trên thì thực hiện tiếp theo Mục 4.2.
3.4. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc đơn vị y tế địa phương theo quy định để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Nếu cần thiết mời cán bộ y tế khu vực, tuyến huyện, tuyến tỉnh đến hỗ trợ.
4. Xử trí sau khi hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ:
4.1. Trường hợp người nghi ngờ không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì xử lý như sau:
- Điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Nếu cần thiết thì nhân viên y tế trường học đưa giáo viên, sinh viên, học viên hoặc phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
- Ghi lại các thông tin vào sổ theo dõi sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác y tế trường học.
4.2. Trường hợp người nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ
4.2.1. Vận chuyển đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị:
Cán bộ y tế trường học phối hợp với trạm y tế cấp xã hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương để đưa học sinh/giáo viên đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị. Việc vận chuyển học sinh/giáo viên nêu trên phải thực hiện đúng theo quy định về phòng chống lây nhiễm.
4.2.2. Các biện pháp xử lý tại nhà trường:
- Đối với trường hợp có tiếp xúc gần hoặc trường hợp có liên quan khác thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương.
- Thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cho học sinh nghỉ học ngay cho đến khi nhà trường có thông báo mới.
- Khử khuẩn môi trường: thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
II. Yêu cầu đối với phòng/khu vực cách ly:
Phòng/khu vực cách ly (sau đây gọi chung là phòng) cần đảm bảo:
1. Ưu tiên chọn phòng cách ly có công trình vệ sinh khép kín.
2. Đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí, không dùng điều hòa; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ.
3. Tại cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thuận tiện sử dụng.
4. Bố trí thùng đựng chất thải có nắp đậy. Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly vào thùng đựng chất thải. Đối với trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm theo hướng dẫn của trạm y tế cấp xã; thu gom các rác thải sinh hoạt khác vào thùng đựng rác thải thông thường.
5. Đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản theo quy định.
6. Có nội quy khu vực cách ly: hạn chế tối đa những người không phận sự vào khu vực cách ly; đảm bảo an ninh, an toàn; không tổ chức ăn uống tập trung trong khu vực cách ly; cung cấp suất ăn cho người được cách ly và đảm bảo an toàn thực phẩm.