Có thu nhập như thế nào được coi là hộ nghèo?

14:18 - 20/09/2018 Tin pháp luật
Pháp luật Việt Nam quy định rõ hộ nghèo và cận nghèo được nhà nước hỗ trợ hưởng nhiều chính sách ưu đãi riêng. Để xét chuẩn hộ nghèo cần xem xét về thu nhập cũng như địa phương, điều kiện sống của các gia đình. Hơn nữa căn cứ vào quy định hộ nghèo theo từng giai đoạn mà Nhà nước có những tiêu chí, điều kiện khác nhau.
 
Mức chuẩn hộ nghèo mới nhất
 
Hiện nay, mức chuẩn hộ nghèo và cận nghèo đang được áp dụng theo nội dung Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó:
 
Tiêu chí xác định hộ nghèo ở thành thị:
 
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 900.000 đồng trở xuống; hoặc
 
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 trong số các chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Tiếp cận dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; nguồn nước sinh hoạt…
 
Tiêu chí xác định hộ nghèo ở nông thôn:
 
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống, hoặc
 
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 trong số các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản…

Có thu nhập như thế nào được coi là hộ nghèo?

 Hình ảnh minh họa: Có thu nhập như thế nào được coi là hộ nghèo?
 
Một số chính sách dành cho hộ nghèo
 
Hỗ trợ hộ nghèo là một trong những chính sách cơ bản của Nhà nước. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hộ nghèo sẽ được ưu tiên hỗ trợ một số chính sách điển hình như:
 
- Hỗ trợ về nhà ở:
 
Hộ nghèo không có nhà ở hoặc nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng sẽ được hỗ trợ để xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24m2, nhà có tuổi thọ ít nhất 10 năm (theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg).
 
- Hỗ trợ về khám, chữa bệnh:
 
Hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng. Tức là, người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến (theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi).
 
- Hỗ trợ về vay vốn ngân hàng:
 
Nhằm giúp hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định hộ nghèo được vay đến 50 triệu đồng/hộ (theo Quyết định 34/QĐ-HĐQT).
 
- Hỗ trợ học phí cho con em hộ nghèo:
 
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo là một trong 15 đối tượng được miễn học phí (theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP).
 
- Hỗ trợ về pháp lý:
 
Những người thuộc hộ nghèo thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, tức là được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác (theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017).
HươngPT
Chia sẻ