Cách tính ngày nghỉ khám thai cho lao động nữ

09:22 - 23/10/2018 Tin pháp luật
Khám thai được nghỉ mấy ngày là thắc mắc chung của rất nhiều lao động nữ có bầu. Tìm hiểu kĩ số ngày nghỉ khám thai và cách tính ngày nghỉ khám thai để đảm bảo quyền lợi của mình.
Một trong những quyền lợi đặc biệt của lao động nữ khi có bầu chính là được nghỉ để đi khám thai. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ số ngày nghỉ khám thai theo quy định của pháp luật cũng như cách tính ngày nghỉ khám thai để đảm bảo quyền lợi của mình.
 
cách tính ngày nghỉ khám thai
 Số ngày nghỉ khám thai của lao động nữ tối thiểu là 5 ngày (Ảnh minh họa)

 

Khám thai được nghỉ mấy ngày?

 
Trong Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định khá rõ về số ngày nghỉ khám thai cho lao động nữ. Cụ thể, trong suốt thời gian mang bầu, người lao động nữ được nghỉ làm để đi khám thai tất cả 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Nếu như trong trường hợp lao động nữ ở xa bệnh viện hoặc có bệnh lý hay thai nhi không bình thường thì được nghỉ 2 ngày mỗi lần khám thai.
 
Như vậy, mỗi người lao động nữ trong suốt thời gian mang bầu được nghỉ tối thiểu là 05 ngày để đi khám thai và tối đa là 10 ngày với những trường hợp đặc biệt đã nêu trên.
 
Ngoài ra, Điều 32cũng giải thích rõ, thời gian nghỉ việc để đi khám thai tính theo ngày làm việc hành chính, không tính ngày nghỉ Tết, nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần hàng tuần.
  
Trích Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai:
 
“1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
 
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”

Tính lương những ngày nghỉ khám thai thế nào? 

 
Cũng giống nghỉ sinh con, nghỉ dưỡng thai… người lao động nữ nghỉ việc để đi khám thai tuy nhiên sẽ không hưởng lương do người sử dụng lao động trả, mà sẽ được hưởng trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả. Mức hưởng được quy định rõ tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
 
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
 
Cụ thể, nếu lao động nữ nghỉ 05 ngày đi khám thai thì mức tiền hưởng một ngày được tính theo công thức sau:
 
Mức hưởng = 100% mức bình quân tiền lương tháng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản : 24 ngày x 5 ngày.
 
Ví dụ: Chị T có mức lương bình quân đóng BHXH là 05 triệu đồng. Chị nghỉ khám 05 ngày thì mức hưởng trợ cấp của chị trong 05 ngày là: 05 triệu đồng : 24 ngày x 5 ngày =  1,041 triệu đồng.
 

Về điều kiện hưởng chế độ thai sản

 
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
 
“…2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
 
 
Theo quy định trên, lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ khi sinh con.
 
Và để biết chính xác bạn có được hưởng chế độ bảo hiểm khi sinh con hay không, bạn cần dựa vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thực tế của mình.

Mỗi lao động nữ nên nắm rõ cách tính ngày nghỉ khám thai và tuân thủ đúng quy định để đảm bảo quyền lợi của mình.

ThanhNT
Chia sẻ