Bị xử lý kỷ luật lao động không thỏa đáng, có thể khiếu nại?

14:26 - 16/07/2020 Tin pháp luật
Nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng nội quy, doanh nghiệp luôn có các biện pháp xử lý kỷ luật người lao động vi phạm nội quy. Tuy nhiên, khi người lao động bị xử lý kỷ luật không thỏa đáng họ có quyền được khiếu nại.

 Bị xử lý kỷ luật lao động không thỏa đáng, có thể khiếu nại?

 

Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; Cách chức và hình thức kỷ luật nặng nhất sa thải.

 

Cũng tại Bộ luật Lao động 2019, Điều 127 có quy định 4 hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động như sau:

 

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động;

 

2. Phạt tiền thay cho việc xử lý kỷ luật lao động;

 

3. Cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động;

 

4. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

 

Theo Điều 131, Bộ luật Lao động 2019 về khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất thì người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

 

Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định, người lao động yêu cầu người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định của mình.

 

Theo Điều 6, Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động có thể thực hiện việc khiếu nại thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, được quy định như sau:

 

-  Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây:

 

+ Ngày, tháng, năm khiếu nại;

 

+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại;

 

+ Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;

 

+ Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại.

 

Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

 

- Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn:

 

  Người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

 

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, thời hiệu khiếu nại là 180 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định.

 

 >>> Quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị sa thải?

Tailieuluat
Chia sẻ