Sang tên Sổ đỏ cần lưu ý những gì?

14:44 - 14/07/2020 Tin pháp luật
Sang tên Sổ đỏ là việc làm phổ biến, diễn ra khi có các giao dịch về đất đai và nhà ở. Tuy nhiên để việc sang tên Sổ đỏ được an toàn, hợp pháp cần nhớ những lưu ý dưới đây.

Sang tên Sổ đỏ cần lưu ý những gì? Ảnh minh họa.

 

Đầu tiên là điều kiện sang tên Sổ đỏ

 

Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi: Có Giấy chứng nhận; Không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và đang trong thời hạn sử dụng đất.

 

Vậy, nếu thiếu 1 trong các điều kiện trên sẽ không được sang tên Sổ đỏ.

 

Thứ 2 là kiểm tra về quy hoạch, thế chấp

 

Theo Luật sửa đổi, bổ sung 37 Luật liên quan đến quy hoạch 2018 thì toàn bộ nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai. Cụ thể:

 

- UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện, trụ sở UBND cấp xã.

 

Việc công bố công khai được thực hiện chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Và việc công khai được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch sử dụng đất.

 

Trong một số trường hợp thửa đất thuộc quy hoạch vẫn được chuyển nhượng, tuy nhiên kiểm tra thông tin quy hoạch vẫn là điều cần thiết để tránh việc nhận chuyển nhượng sau đó bị thu hồi…

 

Bên cạnh đó, có thể thể kiểm tra thửa đất có thế chấp hay không tại trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận hoặc xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.

 

Về mục đích sử dụng đất

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 thì phải sử dụng đất đúng mục đích ban đầu, nếu tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ bị xử phạt theo quy định.

 

Cuối cùng là về lịch sử giao dịch của thửa đất

 

Một thửa đất được mua đi bán lại nhiều lần là điều phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng không sang tên hay việc người sử dụng không đứng tên trên Giấy chứng nhận cũng thường xảy ra. Nếu như xảy ra tranh chấp thì chủ sở hữu không có tên trên Giấy chứng nhận sẽ gặp nhiều bất lợi.

 

Người mua có thể kiểm tra lịch sử giao dịch của thửa đất tại Văn phòng đăng ký đất đai, cụ thể:

 

Tải Mẫu số 01/PYC, tích vào ô “lịch sử biến động” để xem lịch sử giao dịch hoặc tích vào ô “tất cả thông tin trên” nếu muốn biết cả thông tin quy hoạch, tình trạng pháp lý, thế chấp…

 

Sau đó người mua tiến hành nộp hồ sơ đến ký Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã theo quy định tại Thông tư 34/2014/TT-BTNMT để được giải quyết.

 

Tailieuluat
Chia sẻ